Chắc chắn đó cũng là thời gian “mổ băng” của các HLV để nhìn rõ hơn những ưu khuyết trong việc bố trí đội hình, vận hành chiến thuật để bổ sung, hoàn thiện dần trong những chặng đấu dài hơi sắp tới.
Vấn đề đầu tiên cần nói tới là liệu đội hình “siêu tấn công” được HLV Quang Trường bố trí trong 2 trận đấu gặp Sài Gòn FC và B. Bình Dương vừa qua có thực sự diễn ra những màn tấn công đẹp mắt, hiệu quả hay không? Hay đó chỉ là cách “tấn công để…phòng ngự”, như nhiều người vẫn nói?
Với đôi cánh được “thiết kế” như 2 mũi xuyên phá và hoán đổi liên tục gây xáo trộn cho đối thủ, thậm chí 2 vị trí mang tính bùng nổ này (Văn Đức và Tuấn Tài) tùy tình huống có thể chơi như tiền đạo ảo thứ 3 và thứ 4; trong khi đó, 2 ngoại binh P. Onyekachi và G. Santos là cặp song sát chơi cao nhất áp sát trung vệ đối phương, chưa kể các pha chạy chỗ kéo dãn hàng thủ đối phương…những tưởng SLNA sẽ làm mưa, làm gió trước mọi đối thủ.
Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. SLNA liên tục bị ép sân, thi thoảng mới có một vài tình huống triển khai bóng mạch lạc. Chỉ có một bàn thắng được ghi từ tình huống cố định và có lẽ đội bóng chỉ mong đợi sự tỏa sáng của Văn Đức, hay Tuấn Tài, còn lại là sự lạc nhịp, thiếu ăn ý, nhất là 2 ngoại binh dù bộ đôi này không hẳn được… khoán trắng cho việc tự xoay trở và tìm kiếm bàn thắng.
Vì sao vậy? Câu trả lời là SLNA non tuyến giữa, các tiền vệ trung tâm không thể cầm được bóng và chuyển trạng thái nhanh nhất có thể. Đội bóng không “trụ” được, không thể “làm” bóng được trong khi 2 cánh buộc phải lui về tham gia phòng ngự và ít có cơ hội dâng cao, dồn ép đối thủ.
Không có sự “tiếp đạn” từ tuyến 2, thậm chí cũng không có những quả phất dài kiểu Quế Ngọc Hải trước đây, hai tiền đạo ngoại thường xuyên “chạy xe không” và nếu có bóng cũng ở trong tình thế 1 chọi 2, rất khó để làm nên chuyện.
Trong khi đó, các chân sút “mắn” bàn thắng của SLNA còn ở rất xa các cơ hội thực sự, ngoại trừ các tình huống cố định và phải “đẳng cấp”, khát khao trở lại sau cả năm trời như Văn Đức mới có thể mang lại bàn thắng quý như trận mưa rào giữa mùa hè nắng cháy!
Một đội hình “siêu tấn công” nhưng không thể tấn công liên tục hay chớp nhoáng, buộc phải chơi phòng ngự - phản công, thực chất là sự phá sản của mọi toan tính chiến thuật hay đó là “chuyện biết rồi, nói mãi” mà BHL dày dạn của SLNA thừa biết; hay quân ta chỉ có vậy, liệu cơm gắp mắm, chơi đến đâu, biết đến đó, không còn cách nào khác?
Có người nói nôm na, đó là một đội hình “thượng đa, hạ thiểu”, thiếu cân đối, đè nặng lên hàng thủ, dễ bị tấn công vỗ mặt bởi không có tuyến phòng ngự chủ động từ gần đến xa.
Một khi tiền vệ trụ yếu, tiền vệ tổ chức mất vai trò thì để lộ ra một khoảng trống mênh mông ở giữa sân để đối thủ mặc sức tung hoành. Điều này lý giải vì sao trong phần lớn hiệp 2 trận đấu trên sân khách gặp Sài Gòn FC, niềm hy vọng Văn Đức bị ép chặt cứng, không thể bung lên nổi bên hành lang cánh trái.
Rồi trong trận gặp B. Bình Dương, Văn Đức cũng phải lùi sâu nhận bóng, tự mình tổ chức một pha bóng vượt tuyến đẳng cấp cho Tuấn Tài, như một “bài mẫu” cho tình huống chuyển trạng thái trong khi cả đội hình tưởng như dễ dâng cao nhưng bị ép ngược trở lại, trở nên lúng túng, bị động trước đối thủ.
Nhưng nói gì thì nói, có thể thấy rõ đội hình mà Quang Trường bố trí, sắp xếp hiện thời đang thiếu mẫu cầu thủ có tầm nhìn bao quát từ phía sau, rồi mẫu cầu thủ chơi giữa sân “ác liệt” khiến đối thủ ngán ngại, thiếu “công nhân” chăm chỉ dọn dẹp, càng thiếu mẫu cầu thủ tài hoa, nghệ sỹ thêu hoa, dệt gấm, khiến đối thủ hoa mắt, chóng mặt, liên tục tạo sóng trên khán đài …
Chỉ hy vọng rằng, trong cái khó sẽ “ló” cái khôn từ chính BHL và các cầu thủ. Như cách Văn Đức chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công mẫu mực nói trên, như cách Tuấn Tài chuyền đường bóng không thể tốt hơn từ cánh phải, như cách đá phạt không thua gì các bậc đàn anh của Sỹ Nam và tình huống chớp thời cơ “nhoay nhoáy” của Văn Đức trong trận gặp B. Bình Dương (vòng 2)
Cuối cùng là, trong bối cảnh leo đèo, vượt dốc, đội hình tưởng như “siêu tấn công” của Quang Trường, trước hết cũng là đội hình “siêu phòng ngự”như truyền thống của SLNA, biết cách lấy mạnh bù yếu, ưu bù khuyết, kiên trì tìm kiếm cơ hội và biến mạnh trở nên mạnh hơn, ưu trở nên ưu hơn.
Đó cũng là cách biết người, biết ta vậy, khi đội bóng từng biết cách vươn tới đỉnh cao trong quá khứ, dù “nhà nghèo” đua với “nhà giàu” nhưng trái bóng tròn luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị, không thể nói trước...