(Baonghean.vn) - Tôi yêu bóng đá từ thuở lên 10, cái thuở chưa biết định nghĩa tình yêu quê hương đất nước là gì. Nhưng mỗi lần ngồi xem bóng đá, nghe ông bình luận viên hô to: “Hoan hô thủ môn Nguyễn Văn Cường” hay “Hoan hô Hồng Sơn”, “Hoan hô Huỳnh Đức” thì không hiểu sao thấy yêu vô cùng những cái tên, những con người Việt Nam.
 
.
Cuộc thi Sông Lam Nghệ An - Niềm tự hào xứ Nghệ do Báo Nghệ An, CLB Sông Lam Nghệ An và Công ty CP giải trí VGG đồng tổ chức. Độc giả tìm hiểu cuộc thi tại đây.
SEA Games 18, 19 đã lướt qua tuổi thơ những đứa trẻ thôn quê chúng tôi như một cơn gió mới và để lại rất nhiều kỉ niệm. Lũ con gái lóc nhóc chúng tôi vẫn thường bận quần đùi áo cộc đá bóng nhựa ở sân đình làng. Và mỗi đứa đều chọn cho mình tên một cầu thủ yêu thích để làm thần tượng. Đứa chọn anh Hồng Sơn vì anh ấy đá rất “ dẻo”. Đứa chọn anh Huỳnh Đức vì anh ấy rất hay “sút vào”…
 
Còn tôi đã chọn Hữu Thắng, chàng trung vệ số 4 có làn da đen sạm và những cú đá lạnh lùng dứt khoát mỗi khi đối thủ đưa bóng về gần lưới nhà.
images1450316_2.jpgHLV Hữu Thắng. Ảnh minh họa.
 
Tôi yêu Hữu Thắng nhiều đến nỗi suốt ngày giận nhau với bạn vì tranh cãi về thần tượng. Yêu đến nỗi liều lĩnh đạp xe đạp một mình ra thành phố cách gần mười cây số chỉ để tìm đến khu tập thể nơi anh sống. Đến chỉ để đứng ngoài cửa sổ ngó vào xem rồi lại đạp xe về.
 
Năm 2005, khi tôi vào Đại học cũng là lúc nghe phong thanh anh dính vào vụ gì đó rồi bị bắt, rồi bê bối chuyện những cầu thủ nước mình bán độ. Có một chút buồn, một chút thất vọng. Thỉnh thoảng đọc báo vẫn thấy người ta viết về SLNA, và xót xa khi biết đội bóng quê mình nghèo lắm, những cầu thủ giỏi lần lượt dứt áo ra đi, còn những người ở lại thì luôn quay quắt vì tiền.
 
Và đúng lúc đó, Hữu Thắng trở về sau những bão giông. Anh đã từ chối lời mời mọc của những đội bóng nhiều tiền để trở về quê hương, để cùng SLNA thắp lên ngọn lửa hi vọng trong rất nhiều khó khăn và gian khổ.
 
Chung kết V.League 2011 SLNA giành ngôi vô địch, và nước mắt Hữu Thắng đã rơi, niềm vui hóa thành giọt nước mắt sau 10 năm chờ đợi. Báo chí ngợi ca “SLNA vô địch là xứng đáng”, và trong bóng đá chuyên nghiệp, đôi khi tiền không phải là tất cả, mà hơn thế đó là sức mạnh của ý chí và tình yêu. Chính anh và SLNA đã làm cho xứ Nghệ mình cảm xúc tột đỉnh thăng hoa trong một buổi chiều cuối hạ.
 
Sau khi SLNA giành ngôi vô địch, tôi được gặp anh tại “bản doanh SLNA”. Một cuộc gặp gỡ thân tình, những câu chuyện giản dị về kỉ niệm tuổi thơ tôi được anh lắng nghe với nụ cười hiền hậu. Hữu Thắng trong trái tim tôi từ bé thơ đến nay vẫn thế, vẫn là sự giản dị mà chỉn chu, vẫn là sự nhẹ nhàng tình cảm.
Tình yêu tôi dành cho SLNA được thắp lửa từ Hữu Thắng. Và sau đó tôi yêu cả Hội Cổ động viên SLNA, những người bạn đã luôn luôn sát cánh đồng hành cùng đội bóng quê hương khắp mọi mọi miền đất nước với một sắc vàng rực lửa. Những cổ động viên cuồng nhiệt và nghĩa tình, sẵn sàng kêu gọi ủng hộ cả về tinh thần và vật chất cho những cầu thủ không may mắn của đội bóng quê nhà.
 
 Tôi là một phụ nữ, tôi yêu bóng đá bằng một trái tim yếu mềm. Mỗi khi xem đá bóng, tất nhiên chỉ mong đội mình yêu sẽ thắng. Nhưng nếu thua, tuyệt đối không khi nào bực bội, chỉ trích, chỉ rất buồn và thương. Nhớ xưa, có lần xem chung kết SEA games, Việt Nam bại trận. Ngay khi tiếng còi vừa kết thúc, người người lần lượt kéo nhau về, còn các cầu thủ ngồi khóc nấc giữa sân. Xem cảnh ấy tôi cũng khóc, vì thương và yêu quá.
 
Cuộc đời mỗi người cũng như một trận bóng, đầy bất ngờ và ít khi tròn vẹn như ước mong. Hôm nay trên đỉnh cao, mai có thể đã tụt xuống hố sâu vực thẳm. Vậy nên sau mỗi làn các em thất bại, tôi rất sợ đọc báo, sợ nghe những lời phẫn nộ, chê bai, và chửi rủa. Tất nhiên những người hâm mộ có quyền thất vọng vì tình yêu không được đền đáp. Nhưng có ai đã thử một lần đặt mình vào vị trí của những con người ấy? Những con người được mệnh danh như những chiến binh trên sân cỏ. Những con người mang trên mình màu cờ sắc áo, và niềm hi vọng của triệu triệu trái tim, mệt nhoài trong từng trận đấu đến những giây cuối cùng, để rồi không thể phân biệt nổi vị mặn trên môi mình là mồ hôi hay nước mắt.
 
Vậy nên, khi nghe cổ động viên SLNA hát bài “Giận mà thương” để cổ vũ đội nhà trong một trận bóng, tôi đã lặng người xúc động. Xứ Nghệ tôi đó, quê hương tôi đó với những tấm lòng luôn yêu thương rộng mở. Những con người tưởng như khô cằn vì nắng gió lại mềm mại vô cùng khi thể hiện tình yêu thương.
 
Hữu Thắng đã nói một câu mà tôi rất thích: “Khi ai hỏi tôi xuất phát từ đâu, thì tôi sẽ nói đơn giản: Tôi xuất phát từ SLNA”. Cũng như bản thân tôi, dù đã làm dâu đất Bắc, dù hộ khẩu không còn ở Nghệ An. Những mỗi khi có ai đó hỏi “Bạn từ đâu đến?”. Tôi đều trả lời “ Tôi ở Nghệ An”.
 
Có thể có nhiều người không thích quê tôi, bởi sự khắc nghiệt của nắng gió, bởi cái “thật và thô” trong từng lời nói, và bởi cả độ lì lợm trong tính cách. Nhưng tôi đã yêu xứ Nghệ, yêu sông Lam từ những điều như thế, một tình yêu cồn cào và da diết mỗi khi nhớ về.
 
Lê Giang
 
(Nghĩa Hảo-Phú Nghĩa-Chương Mỹ-Hà Nội)