Thôn Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp có 108 hộ, nằm hai bên bờ sông Dinh. Một nửa thôn, gồm 54 hộ nằm phía bên kia bờ sông Dinh, bị cách biệt bởi dòng sông, bà con phải đi qua một chiếc cầu tre rất mong manh. Chiếc cầu do người dân tự góp tre gỗ lại để làm, hết sức thô sơ, dài khoảng 120 m. Phía dưới là những cây tre, thanh gỗ nhỏ buộc giằng với nhau bằng dây tre, phía trên là thân tre chẻ ra, trải trên mặt cầu làm tấm lát.
Do cầu làm thô sơ như vậy nên việc đi lại hết sức nguy hiểm. Anh Trương Văn Thông, cán bộ phụ trách văn hoá xã cho biết: Đã có rất nhiều vụ tai nạn xẩy ra, cả người và xe rơi xuống sông, gây thương tích. Vào mùa mưa lũ, nước dâng lên cuốn trôi cầu, bà con không thể đi lại được. Trong thôn có khoảng 50 em học sinh các cấp cũng không thể đi học được, phải chờ nước lũ rút. Một số gia đình vào mùa lũ phải gửi con em ở các vùng khác để các cháu đi học.
Ông Trương Sông Hương, nguyên là trưởng thôn cho biết: "Sau mỗi lần mưa lũ, bà con phải góp vật liệu lại làm cầu. 54 gia đình trong thôn mỗi nhà góp 10 cây mét (tre), rồi cử người ra làm. Mỗi năm bà con phải làm lại cầu không dưới 7 lần, ngoài ra còn phải sửa lại vài lần, vất vả vô cùng".
Ông Trương Xuân Thanh, nguyên Bí thư chi bộ thôn nói: "Nước lũ dâng rất cao, bà con chúng tôi phải đối phó rất vất vả. Cũng may chúng tôi đã có kinh nghiệm sống chung với lũ, nên trâu bò, lúa gạo đều đã có cách bảo vệ. Chỉ thương lũ trẻ con không thể đến trường, học hành gián đoạn". Rồi ông chỉ vào chấn song cửa, chỗ nước lũ thường dâng lên. Mỗi năm từ tháng 4 đến tháng 10 là sông Dinh lại dâng nước ngăn lũ trẻ đến trường.
Khi được hỏi tại sao không xây cầu bê tông, ông Trương Sông Hương cho biết: Bà con trong thôn đều là người dân tộc Thổ, cả thôn chỉ có 17 héc ta đất trồng mía, mỗi năm một lần thu hoạch được 1 lần, thu nhập rất thấp. Thời gian nông nhàn ai có sức lao động thì làm thuê cho các mỏ đá, công việc cũng bấp bênh. Trong thôn hiện có hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo đói. Đã thế, do khó khăn về đi lại nên nông sản của bà con cũng bị tư thương bớt 5 giá so với bên kia cầu. Thôn cũng đã đề nghị việc làm cầu lên xã từ năm 2007 nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì.
Khi đi qua cầu, chúng tôi thực sự sợ hãi vì sự mong manh của cây cầu. Tất cả dây buộc đều bằng tre, nhiều đoạn dây đã bị đứt, nhiều chỗ tre lát làm cầu đã bị gãy, xe máy chạy qua cầu rung rinh như sắp gãy đến nơi. Thế mà hàng ngày bà con vẫn đi qua cầu, các em học sinh từ mầm non đến THPT đều phải đi qua cầu đến trường và về nhà.
Đợi một lúc, chúng tôi thấy các em đi học về, mặc dù trời mưa nhỏ, cầu trơn, nhưng nhiều em vẫn phóng xe qua cầu, trông rất mạo hiểm.
Tiễn chúng tôi ra về, nghệ nhân Trương Sông Hương căn dặn: "Các chú nhớ đi qua cầu cho cẩn thận".