(Baonghean) - Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho nhân dân địa phương, HTX Long Thọ, đóng tại thôn 5, xã Thọ Sơn (Anh Sơn) nay đã nhập các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) về cung ứng cho nông dân.
Ông Trịnh Vinh Quang - nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Long Thọ từ 1978 cho đến khi HTX giải thể vào năm 1994, nhớ lại: “Theo quá trình tồn tại, HTX thay đổi tên nhiều lần do sáp nhập, lúc đầu là Long Thọ, Long Xuân và cuối cùng là Thọ Sơn. Dù đổi nhiều tên nhưng chức năng của HTX chủ yếu vẫn là làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc BVTV như DT 666… theo dạng thuốc bột để trong bao bì và trong chum. Toàn bộ thuốc vận chuyển về được cất giữ trong kho của HTX”.
Theo thời gian, trong điều kiện bảo quản hết sức sơ sài cộng với ảnh hưởng của thời tiết, kho thuốc ngày càng xuống cấp và số lượng thuốc BVTV tồn dư gây ảnh hưởng rõ rệt hơn đến đời sống nhân dân xung quanh, nhất là sau thời điểm HTX giải thể, kho thuốc không còn ai coi sóc, lượng thuốc BVTV tồn dư bị để hoang. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ dãy nhà cấp 4 trước đây của HTX Long Thọ đã xuống cấp trầm trọng, gian phòng trước đây được HTX trưng dụng làm kho thuốc, mái dột nát, nền ẩm thấp, trong đó hiện còn một chum sành trước đây chứa thuốc, không khí phảng phất mùi thuốc sâu dù thời tiết đang độ dịu mát. Ngay sát trụ sở HTX cũ là Nhà văn hóa thôn 5, xã Thọ Sơn. Hàng tháng, các cuộc sinh hoạt chi bộ và các hoạt động của 85 hộ dân của thôn vẫn phải tổ chức ở đây dù đã có khuyến cáo rào cách ly khu vực này.
26 năm nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Dung ở cách kho thuốc sâu chỉ khoảng 50m nên cảm nhận rất rõ tác động môi trường mà nó mang lại. Ông cho biết, lúc thời tiết nắng bức, mùi bốc ra không khí rất khó chịu. Vào mùa mưa, vị trí kho thuốc thấp trũng nên nước ngập lênh láng tràn ra cả khu vực xung quanh nên người dân nơi đây rất lo lắng. Cách đây mấy năm, ông Dung phải đầu tư tiền khoan giếng để lấy nước sinh hoạt chứ không dám dùng nước giếng đào. “Một thời gian, vợ chồng tui nhận trông coi hội trường xóm gần kho thuốc sâu. Nhưng được vài năm thì cả 2 người đều bị bệnh viêm đa khớp, đi lại rất vất vả nên xin nghỉ. Chúng tôi không phải là nhà khoa học nên không thể kết luận kho thuốc sâu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không nhưng tâm lý vẫn rất lo ngại. Rất mong các cấp liên quan khẩn trương xử lý kho thuốc này”, ông Dung kiến nghị.
Làm việc với chính quyền xã Thọ Sơn, chúng tôi được biết, trong các năm 2010 -2011, cơ quan chuyên môn đã về bốc 2 tấn gồm cả đất nền kho thuốc và chum chứa tồn dư thuốc BVTV chở đi, sau đó xử lý bằng cách phun hóa chất và rải vôi nhiều lần; đồng thời về khoan khu vực nền kho và khu vực xung quanh lấy mẫu nước để xét nghiệm. Tuy nhiên, các bước này vẫn chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tại thôn 5 và tâm lý người dân vẫn rất lo lắng. Vì vậy, để xử lý dứt điểm ô nhiễm, ngày 31/7/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định “về việc phê duyệt Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn 5, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An”. Dự án có kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường; nguồn ngân sách tỉnh cân đối và các nguồn hợp pháp khác. Theo đó, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2014 với mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực kho hóa chất ở thôn 5, xã Thọ Sơn và bàn giao đất đã xử lý cho địa phương.
Ông Phạm Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết: “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri HĐND các cấp và Quốc hội, cử tri cũng đã đề nghị xử lý dứt điểm ô nhiễm tại kho thuốc trừ sâu để đảm bảo môi trường. Hiện nay, dự án xử lý đã được tỉnh phê duyệt, hy vọng các bộ phận liên quan triển khai đúng kế hoạch, xử lý dứt điểm để nhân dân yên tâm”. Việc hoàn thành xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường tại đây không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hóa chất BVTV tồn lưu cho người dân địa phương và môi trường xung quanh mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thành Duy