(Baonghean) - Căn cứ Nghị định của Chính phủ và UBND tỉnh về việc quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh, hiện nay UBND xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo tổ dân phố (thôn, xóm, bản…) hướng dẫn các gia đình, cá nhân kê khai số lượng, đầu phương tiện để nộp phí. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang phát sinh không ít vướng mắc.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, xóm 12, xã Nghi Kim, TP Vinh: “Nhà tôi có 2 chiếc xe máy, nhưng lâu nay chỉ sử dụng 1 chiếc, chiếc còn lại lâu lâu con cháu ở xa về mới đi cũng đóng như chiếc đi thường xuyên là chưa công bằng”. Đặc biệt, khi trao đổi với các xóm trưởng tại các xóm có nhiều sinh viên và công nhân lao động tạm trú như địa bàn xã Nghi Kim thì hầu hết đều cho rằng rất khó thu.

images886720__ng_nguy_n_ng_c_h_ng__t__tru_ng_t__5__x_m_12__x__nghi_kim__tp_vinh__hu_ng_d_n_ngu_i_d_n_k__khai_d__n_p_ph__du_ng_b_.jpgÔng Nguyễn Ngọc Hùng, tổ trưởng tổ 5, xóm 12, xã Nghi Kim (TP. Vinh) hướng dẫn người dân kê khai nạp phí đường bộ.

Theo ông Trịnh Duy Vinh, Xóm trưởng xóm 12: Trong xóm có nhiều sinh viên và công nhân đến thuê nhà ở, việc gặp họ đã khó nói gì đến triển khai thu phí. Riêng những trường hợp sinh viên và công nhân tạm trú chưa đến 6 tháng đã chuyển đi chỗ khác ở thì tổ cũng chịu, vì Thông tư 197 của Bộ Tài chính chỉ quy định thu phí đối với các trường hợp tạm trú từ 6 tháng trở lên. 

Tại Nghi Lộc, qua rà soát, kê khai và tổng hợp, hiện trên địa bàn có 33.922 xe mô tô các loại, với tổng phí phải thu trên 2,9 tỷ đồng. Đến nay, các xã, thị trấn đã trực tiếp nhận biên lai thu lệ phí và tổ chức thu phí, tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa hoàn thành việc kê khai, tổng hợp số lượng xe và thu nộp phí theo quy định”- Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
 
Tại huyện Quế Phong, việc thống kê rà soát hiện đang được các xã, thị trấn đốc thúc thực hiện. Đến nay Thị trấn Kim Sơn đã thống kê được 874 xe/906 hộ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số do các hộ dân tự kê khai, còn thực tế khó mà chính xác. Chưa nói đến sau rà soát, việc thu phí sẽ khó khăn, bởi thực tế hiện nay chưa có chế tài xử phạt, chưa quy định người điều khiển xe máy phải mang theo biên lai thu phí đường bộ.
 
Nhiều ý kiến còn cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, ngày 19/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì những người không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. Như vậy, người tham gia giao thông bằng xe môtô phải luôn mang theo biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ để trình với cảnh sát giao thông khi được hỏi. Trong khi thực tế tờ biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ là một tờ giấy bình thường rất khó bảo quản, lỡ rách nát thì phải làm sao.
 
Quyết định 42/2013 QĐ - UBND tỉnh nêu rõ: Loại xe có dung tích xilanh đến 100cm3 nộp 80.000 đồng/năm ở khu vực TP Vinh, thị xã và 60.000 đồng/năm ở các huyện; loại xe trên 100cm3 ở TP Vinh, thị xã nộp 130.000 đồng/năm và 110.000 đồng/năm ở các huyện; loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xilanh nộp 2.160.000 đồng/năm ở tất cả các khu vực. Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/01/2013 thì tháng 01/2013 thực hiện kê khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở đi thì việc kê khai nộp phí thực hiện như sau: Thời điểm phát sinh từ 1/1 đến 30/6 hàng năm, chủ phương tiện phải kê khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7. Thời điểm phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hàng năm, thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Bên cạnh đó, theo quy định, các đối tượng được miễn phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, gồm có: Xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng; xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo. Như vậy khi tham gia giao thông, việc nhận biết đâu là phương tiện miễn phí sử dụng đường bộ, đâu là phương tiện phải chịu phí gặp rất nhiều khó khăn. Khi tham gia giao thông bằng xe môtô, để khỏi bị phạt, người nghèo chỉ còn cách mang theo sổ hộ nghèo trình với cảnh sát giao thông khi được hỏi để chứng minh mình thuộc đối tượng được miễn đóng phí sử dụng phí đường bộ cũng là một vấn đề, chưa nói đến việc đang trong giai đoạn bình xét nên nhiều hộ nghèo chưa được cấp sổ...

 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh- Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh cho biết: Mặc dù được triển khai, chỉ đạo quyết liệt cả về tuyên truyền chủ trương để tạo sự đồng thuận cũng như tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhưng đến nay tiến độ thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm. Đến ngày 15/11 toàn tỉnh mới có TP. Vinh, Đô Lương và Hưng Nguyên tiến hành thu, còn lại đang trong giai đoạn thống kê phương tiện. Bước đầu đã phát sinh những khó khăn, chúng tôi sẽ trình xin hướng giải quyết. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng và quan trọng hơn là ý thức của mỗi người dân về nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện mình đang sử dụng.
 
Rõ ràng, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô là một chủ trương lớn, đúng đắn nhằm phục vụ công tác bảo trì đường bộ, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống giao thông. Tuy nhiên, với những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện cũng cần có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ kịp thời. Có như vậy, mục tiêu tổng thu năm 2013 là 66.816.914.500 đồng/1.073.139 xe, theo như dự toán của UBND tỉnh mới đạt được.
 
Quảng An