(Baonghean) - Để sớm hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ giao về bao phủ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân, việc trích ngân sách địa phương để hỗ trợ đối tượng cận nghèo tham gia BHYT là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cũng như các cấp chính quyền cần tích cực vào cuộc khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách BHYT.
“Phao cứu sinh” cho người cận nghèo
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội mang đậm ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ trong cộng đồng sâu sắc, đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng. Đặc biệt, kể từ khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 thì quyền lợi của người tham gia BHYT nói chung và đối tượng hộ cận nghèo nói riêng ngày càng được mở rộng. Hiện có 2 nhóm đối tượng thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT 100% là hộ cận nghèo thuộc khu vực vùng sâu vùng xa và hộ cận nghèo vừa thoát nghèo trong vòng 5 năm. Các đối tượng cận nghèo còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT 70%.
Để tiếp tục hỗ trợ người cận nghèo tiếp cận chính sách bảo hiểm y tế, tại Nghệ An, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến hết năm 2015, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và y tế dự phòng đặc biệt tại tuyến huyện, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế. Năm 2011, Dự án hỗ trợ 40% mức đóng đối với trường hợp tham gia BHYT cả gia đình, 30% đối với trường hợp tham gia riêng lẻ; năm 2012 hỗ trợ 10-20% mức đóng; từ năm 2015 đến hết năm 2015 hỗ trợ 5-10%. Chính nhờ sự hỗ trợ tích cực này, việc tham gia BHYT đối với người cận nghèo không còn nhiều khó khăn như trước.
Ông Lê Đức Phí ở xã Nam Trung (Nam Đàn) năm nay 64 tuổi và có gần 10 năm điều trị chạy thận nhân tạo, nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước và được BHYT chi trả chi phí điều trị thì ông rất khó khăn để điều trị bệnh dài ngày. Còn bệnh nhân Võ Thị Hà (42 tuổi) ở xã Nghi Ân (TP. Vinh) đang điều trị tại Bệnh viên Ung bướu Nghệ An chia sẻ: “Gia đình tôi làm nông nghiệp, rất khó khăn, may nhờ có Nhà nước hỗ trợ mua BHYT và BHYT chi trả tiền viện phí, nếu không thì tôi không biết phải xoay xở thế nào”.
Có thể nói, không chỉ riêng ông Phí, chị Hà, với rất nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi phải đi khám chữa bệnh, nằm viện trong thời gian dài ngày mới thấy hết được giá trị của thẻ BHYT, bởi đây là chiếc “phao cứu sinh” giúp người bệnh vì đã có Quỹ BHYT chi trả hầu hết những dịch vụ, nhiều loại thuốc trong danh mục... Đặc biệt là từ tháng 3/2016, khi mà giá của khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh, vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng và cần thiết với người dân hơn bao giờ hết.
Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Nhóm đối tượng cận nghèo nhận được rất nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT, đặc biệt theo quy định mới, nguời cận nghèo chỉ cùng chi trả 5% chi phí chứ không phải 20% như trước đây. Ngoài quyền lợi được khám, chữa bệnh (KCB) ngoại trú, nội trú, được siêu âm, xét nghiệm và thụ hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao thì bắt đầu từ 1/1/2016, BHYT mở rộng quyền lợi cho chuyển tuyến, thông tuyến đối với nguời cận nghèo khi đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện mà không cần phải có giấy chuyển từ trạm y tế lên bệnh viện huyện. Toàn bộ những nguời có thẻ BHYT cận nghèo được thông tuyến về tuyến huyện, điều này mở ra rất nhiều quyền lợi cho người cận nghèo có thẻ BHYT trong KCB”.
Khắc phục những khó khăn, bất cập
Tuy nhiên, từ ngày 31/12/2015, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ chấm dứt hoạt động hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT. Điều này đồng nghĩa với việc từ đầu năm 2016 đến nay, những hộ cận nghèo không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT sẽ phải chi trả 30% số tiền mua thẻ BHYT.
Theo báo cáo của BHXH Nghệ An, tính đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh vẫn còn 95.424 người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT. Trong điều kiện giá viện phí điều chỉnh tăng, nếu không tham gia BHYT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và những người thuộc hộ cận nghèo nói riêng.
Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 – 2020, theo đó Nghệ An được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT là 81% vào cuối năm 2016 và 90% vào cuối năm 2020. Cũng theo quyết định này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, trong đó tập trung hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, bảo đảm sớm đạt mục tiêu 100% người thuộc hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế.
Do đó, để sớm hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ giao về bao phủ BHYT, việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT là rất cần thiết. Theo dự thảo nghị quyết, ngoài mức hỗ trợ hiện tại 70% từ nguồn ngân sách Trung ương, những người thuộc hộ cận nghèo tiếp tục được ngân sách tỉnh hỗ trợ, đảm bảo đến năm 2020 sẽ đảm bảo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế. Cụ thể, năm 2016 mức hỗ trợ 10%; năm 2017 hỗ trợ 15%; năm 2018 hỗ trợ 20%; năm 2009 hỗ trợ 25% và năm 2020 hỗ trợ 30%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, để chính sách BHYT thực sự phát huy hiệu quả đối với người dân nói chung và người cận nghèo nói riêng, các ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc để khắc phục những khó khăn, bất cập. Hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân nói chung, người cận nghèo nói riêng về vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm cộng đồng còn nhiều hạn chế, đối tượng tham gia BHYT chủ yếu vẫn là người đang ốm đau, mắc bệnh nặng. Một bộ phận người cận nghèo chưa mặn mà tham gia BHYT là họ còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn, thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT.
Chính vì vậy, mới có tình trạng người dân khi đau ốm hoặc bệnh nặng mới vội vàng tham gia BHYT… Mặt khác, cũng phải kể đến chính quyền cơ sở một số nơi chưa tích cực vào cuộc trong việc lập danh sách hộ cận nghèo cũng như tuyên truyền chính sách BHYT đến với người dân; các đại lý thu BHYT cũng không mặn mà vận động và khai thác đối tượng này, vì lệ phí hoa hồng thấp (chỉ 4% trên tổng số thu của 20 - 25% chi phí mỗi thẻ)… Chính những nguyên nhân nêu trên khiến nhiều người cận nghèo chưa được tiếp cận, nắm bắt rõ những ưu đãi của chính sách BHYT đối với họ.
Do vậy, để tăng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT thì ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận đông người cận nghèo tham gia; sự phối hợp giữa ngành Y tế với cơ quan BHXH và các ban ngành liên quan nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia BHYT, nhất là chất lượng khám chữa bệnh, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của đại bộ phận người dân hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc tham gia mua thẻ BHYT…
Trên địa bàn Nghệ An, ngoài số đối tượng cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT, trong năm 2015 đã có trên 63.097 lượt thẻ BHYT được cấp cho người cận nghèo từ ngân sách nhà nước và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ, với kinh phí gần 3,7 tỷ đồng. Luỹ kế từ năm 2011 cho đến nay đã có 689.080 lượt thẻ BHYT cho hộ cận nghèo được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ Dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung bộ với kinh phí trên 45 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: Minh Quân