(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn phản ánh của ông Trần Công Hợi (thôn Tân Trà, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) về việc các hộ liền kề với gia đình ông đã ngang nhiên lấn chiếm, xây bờ bao trên đất nhận khoán của gia đình ông với Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông. Sự việc trên chính quyền địa phương đã biết, biết nhưng vẫn làm ngơ… 

Từ phản ánh của ông Trần Công Hợi, phóng viên về tìm hiểu thực tế, được biết: Năm 1989, Xí nghiệp chè Bãi Phủ tiến hành cấp đất làm nhà trên đất nông trường (không có diện tích cụ thể - PV), tại thôn Tân Trà, xã Bồng Khê cho các gia đình, gồm: ông Trần Công Hợi, ông Bùi Nguyên Minh, bà Bùi Thị Lâm, bà Hồ Thị Tuyết. Đến năm 1992, Nông trường giao khoán cho gia đình ông Trần Công Hợi vườn chè liền kề phía sau đất ở của 4 nhà. Năm 2003, căn cứ vào tấm bản đồ được lập năm 1997 (chưa được phê duyệt), Xí nghiệp chè Bãi Phủ đã bàn giao đất ở của 4 hộ về cho UBND xã Bồng Khê quản lý. Đến năm 2009, diện tích vườn chè giao khoán cho gia đình ông Hợi sản xuất được thu hồi để xây dựng Trường Trung cấp nghề dân tộc miền núi Nghệ An, diện tích còn lại là 302,5m2, được tiếp tục giao cho gia đình ông Hợi sản xuất. Cũng thời gian đó, UBND xã Bồng Khê có chủ trương đo đất thổ cư cho các hộ để cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Đến lúc này các hộ ông Minh, bà Lâm, bà Tuyết cho rằng đất ở của gia đình mình thiếu so với số liệu được ghi trên bản đồ lập năm 1997 cũng như biên bản bàn giao nên đã thắc mắc. 

Ông Trần Công Hợi bên mảnh đất bị các hộ xây lấn chiếm.
Ông Trần Công Hợi bên mảnh đất bị các hộ xây lấn chiếm.

Tại biên bản làm việc giữa các bên, gồm đại diện UBND xã Bồng Khê, Xí nghiệp chè Bãi Phủ, cán bộ thôn Tân Trà, cùng 4 hộ vào ngày 17/6/2010, ông Nguyễn Viết Thanh - Giám đốc Xí nghiệp chè Bãi Phủ (thời điểm đó), đã giải thích, khẳng định, đất của nông trường có từ năm 1961, việc 3 hộ dân (ông Minh, bà Lâm, bà Tuyết), khiếu nại về ranh giới là không hợp lý, vì các hộ đã ở ổn định từ trước tới nay không có tranh chấp gì. Về nguồn gốc đất của các hộ là do nông trường cấp, còn diện tích không ghi cụ thể. 

Đến năm 2012, căn cứ vào diện tích mà Trường Trung cấp nghề dân tộc miền núi Nghệ An thu hồi còn thừa (302,5m2), Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông (lúc này đã chia tách), tiếp tục giao khoán cho gia đình ông Hợi sản xuất. Thế nhưng, ngày 24/9/2014 vừa qua, 3 gia đình ông Minh, bà Lâm, bà Tuyết đã tiến hành tháo dỡ hàng rào cố định từ trước để lấn sang phần đất này. 

Ông Trần Công Hợi, cho biết: Diện tích 302,5m2 là của gia đình tôi tiếp tục nhận khoán với Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông, vì vậy việc các hộ cho rằng đất của gia đình mình bị thiếu rồi lấn chiếm lên diện tích này là không có cơ sở. Hơn nữa, việc tranh chấp gây phức tạp trên địa bàn đáng ra chính quyền địa phương phải ngăn cản. Nhưng đằng này, tại thời điểm đó Chủ tịch, cán bộ địa chính xã Bồng Khê cũng có mặt nhưng không có động thái gì. Bà Lê Thị Xuân - cán bộ phòng Kế hoạch, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông, cũng cho rằng: Khoảnh đất thừa ra sau khi Trường Trung cấp nghề dân tộc miền núi Nghệ An không lấy hết vẫn thuộc quyền quản lý của xí nghiệp và thực tế hiện nay gia đình ông Hợi đang nhận khoán, cho nên việc các hộ tự ý lấn chiếm là sai. 

Về việc này, ông Hà Đức Đạt - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, thừa nhận: Việc để các hộ dời hàng rào lấn sang đất nông trường là do xã chỉ mới căn cứ vào tấm bản đồ chưa được phê duyệt và biên bản bàn giao giữa Xí nghiệp chè Bãi Phủ với UBND xã Bồng Khê, chưa căn cứ vào các quy định về đất đai. Đồng thời thừa nhận, khi các hộ ngang nhiên lấn chiếm xây hàng rào, mặc dù có mặt ở đó nhưng không ngăn cản, đình chỉ thi công là sai. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đình Việt - Trưởng phòng TN&MT huyện Con Cuông, cho biết: Trước đây do việc đo đạc bản đồ không chính quy nên có những sai lệch so với thực tế, do đó phải chấp nhận theo hiện trạng sử dụng chứ không có quy định nào về việc cấp bù diện tích bị thiếu, dù đất đó đã có sổ đỏ. Trong trường hợp này, đất dư thừa ra sau khi đã thu hồi để xây dựng Trường Trung cấp nghề dân tộc miền núi Nghệ An vẫn thuộc quyền sở hữu của nông trường, vì vậy các hộ dân tự ý lấn chiếm, xây hàng rào trên đất nông trường là sai. 

Như vậy, có thể thấy việc các hộ dân cho rằng đất của gia đình mình thiếu để rồi tự ý lấn chiếm, xây dựng hàng rào trên đất của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông (hiện nay đang giao khoán cho hộ ông Trần Công Hợi) là không có cơ sở. Bởi thực tế đất các hộ đã ở ổn định từ năm 1989, khi giao đất không có diện tích cụ thể. Vì vậy, không có cơ sở để cho rằng bị thiếu hụt. Để xảy ra việc này, ngoài trách nhiệm củanNông trường, cụ thể là Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông, đơn vị có trách nhiệm quản lý diện tích đất nói trên, là trách nhiệm của chính quyền địa phương xã Bồng Khê.

Ngoài việc không căn cứ theo luật định về đất đai để tuyên truyền cho người dân rõ, mà còn để mặc người dân lấn chiếm xây dựng mà không ngăn cản. Việc này, UBND huyện Con Cuông cần chỉ đạo xử lý những cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm, đồng thời phối hợp với Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Con Cuông để đo đạc cắm mốc trên thực địa ranh giới giữa các thửa đất, giải quyết dứt điểm, không để dây dưa kéo dài gây phức tạp trên địa bàn. Về phía các hộ cần nhận thức rõ việc làm của mình là vi phạm, vì vậy ngoài việc tự giác dỡ bỏ hàng rào đã xây, cần phối hợp với chính quyền địa phương để thống nhất ranh giới, sớm hoàn tất thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh xảy ra tranh chấp về sau.

Bài, ảnh: Quảng An