Theo số liệu của Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội, trong tổng số hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lybia theo hợp đồng, có khoảng 1.700 lao động là người Nghệ An. Các huyện có nhiều lao động đi làm việc ở Libya là Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Thanh Chương, Nam Đàn, Tân Kỳ...Số lao động đã làm việc trên một năm chiếm khoảng 65%, dưới một năm 45%. Riêng năm 2010 có 641 lao động người Nghệ An sang làm việc ở Libya. Đến hết ngày 8-3-2011, đã có 816 lao động người Nghệ An về nước an toàn, gần 900 lao động đã sang nước thứ ba và đang trên đường về nước theo đường hàng không và đường thủy. Trong tổng số lao động của tỉnh đi làm việc tại Lybia phải về nước thì có đến 27% thuộc diện nghèo, 68% lao động phải vay vốn ngân hàng để chi phí cho việc xuất cảnh.

Mối quan tâm lớn nhất của các lao động vừa trở về từ Libya là trả hết khoản nợ nần, ổn định công việc, cuộc sống. Để giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, sớm ổn định việc làm và đời sống, ngày 8/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị ban hành một số chính sách hỗ trợ. Cụ thể: Hỗ trợ cho lao động đã làm việc tại Libya với thời gian từ 1 năm trở xuống, mỗi người 2 triệu đồng; từ hơn một năm đến dưới 2 năm là 1 triệu đồng. Những lao động làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn được hỗ trợ học nghề

ngắn hạn miễn phí tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để có điều kiện và cơ hội tìm việc làm mới. Bên cạnh đó, số lao động này được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm nếu có nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, những lao động nào có nguyện vọng tiếp tục đi làm việc tại các thị trường ngoài nước khác được các cơ quan chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ để đi xuất khẩu lao động.

Tuy vậy, để các chính sách hỗ trợ đến được với các lao động không hề đơn giản. Ông Phan Sỹ Dương - Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở Lao động cho biết: "Khi thảo đề xuất của chúng tôi lên UBND tỉnh, chúng tôi đã cố gắng nhìn nhận, xem xét thực trạng của lao động địa phương cũng như khả năng tài chính của tỉnh. Tuy vậy, với hơn 1.700 lao động, số tiền hỗ trợ lớn nên UBND tỉnh không thể tự quyết định mà phải thông qua HĐND tỉnh..."

Ngoài ra, công tác thống kê, báo cáo của chính quyền cấp huyện, xã về lao động địa phương trở về từ Libya còn bất cập. Đến thời điểm ngày 10-3, chúng tôi đã liên hệ với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện có nhiều lao động đi làm việc ở Libya như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc để nắm tình hình lao động sau khi trở về địa phương thì đều nhận được câu trả lời chung là "Số liệu chưa thấy các xã báo cáo lên. Một số phường, xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động như Nghi Hải (TX Cửa Lò), Nghi Thiết (Nghi Lộc) cũng không nắm được chính xác số người của xã đi xuất khẩu lao động ở Libya.

Số liệu mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có được là dựa trên thông tin từ các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Văn Bích - Chủ tịch UBND phường Nghi Hải giãi bày: "Hầu hết người dân khi đi xuất khẩu lao động thì liên hệ trực tiếp với các đơn vị môi giới, dịch vụ xuất khẩu lao động. Khi về địa phương họ cũng chẳng báo cáo với UBND xã nên rất khó cho chúng tôi để nắm bắt chính xác số liệu."

Bên cạnh việc đề nghị hỗ trợ bằng tiền cũng như các chính sách tạo việc làm mới cho lao động từ Libya trở về thì một sự hỗ trợ quan trọng khác là việc khoanh nợ, giãn nợ cho các lao động vay vốn cho chi phí xuất khẩu lao động sang Libya. Hầu hết các lao động Nghệ An xuất khẩu đều vay vốn ở 2 ngân hàng là Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến hết ngày 10-3, các ngân hàng này cũng chưa thống kê được số lượng các khoản cho vay đi xuất khẩu lao động sang Libya. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hoàng Vượng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Sau khi có thống kê đầy đủ, Ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương khoanh nợ, giãn nợ cho các khoản vay xuất khẩu lao động sang Libya, đặc biệt là các khoản vay có dư nợ lớn theo chủ trương của cấp trên."

Một số doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động đưa lao động Nghệ An sang làm việc ở Libya cũng đã chấp nhận thiệt thòi để hỗ trợ người lao động trở về gặp khó khăn. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Tổng giám đốc Công ty Việt - Nhật (có trụ sở ở Hà Nội) - một trong những công ty dịch vụ xuất khẩu lao động đưa người Việt Nam sang làm việc lao động ở Libya, trong đó có không ít lao động người Nghệ An, khẳng định: "Những lao động còn nợ công ty chi phí xuất khẩu lao động (khấu trừ vào lương) sẽ được xóa nợ. Đối với những lao động còn bị nợ lương, sau khi tình hình ổn định trở lại, công ty sẽ thay mặt người lao động đòi tiền nợ lương. Bên cạnh đó, công ty sẽ tích cực tìm kiếm thị trường lao động mới để giúp các lao động trở về từ Libya có cơ hội tiếp tục xuất khẩu lao động". Mong rằng bên cạnh thiện ý của các doanh nghiệp, tỉnh cần sớm có chính sách hỗ trợ các lao động từ Libya trở về để họ sớm

Ngày 9-3, Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tập đoàn Khang Thông, chủ đầu tư Dự án Happy Land đã có thông báo tiếp nhận toàn bộ 10.000 lao động Việt Nam về từ Libya vào làm việc cho dự án. Cũng theo bà Ngân, khi làm việc cho Happy Land, chủ dự án có thể bảo lãnh cả khoản vay nợ của lao động. Đây là dự án có vốn đầu tư 2 tỷ USD, tại tỉnh Long An, dự kiến đưa vào khai thác năm 2014, nên cần rất nhiều lao động, nhất là trong ngành nghề xây dựng.


Minh Quân