Dự kiến đến hết năm 2012, 130 xã chưa bàn giao trên địa bàn tỉnh ta sẽ được ngành Điện tiếp nhận để người dân sớm được hưởng lợi.

 

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, tính đến tháng 6/2011, ngành Điện đã tiếp nhận 294 xã, cụm đồng ý bàn giao hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị đã tiếp nhận từ các xã tổng khối lượng hơn 6.000 km đường dây trung áp và hạ áp, bán điện trực tiếp tới 360.207 hộ dân.

Sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện đến từng hộ dân; đồng thời, thực hiện thay mới tất cả những công tơ đã hết hạn kiểm định, bổ sung hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, sứ cách điện vỡ, phát quang hành lang lưới điện..., với tổng kinh phí hơn 75 tỷ đồng.


Hưng Phú (Hưng Nguyên) là một trong những xã sớm tổ chức bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý. Tháng 7/2009, HTX Nông nghiệp, dịch vụ và tổng hợp Phú Thành (xã Hưng Phú) đã bàn giao hơn 7 km đường dây, 256 cột điện với gần 800 hộ sử dụng điện. Ông Nguyễn Duy Chương, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Qua 2 năm bàn giao, hệ thống lưới điện của xã được ngành Điện đầu tư tốt hơn. Chất lượng điện được bảo đảm, người dân được hưởng giá bán điện của Nhà nước nên ai cũng vui mừng".

  767821_small_65480.jpg

Hưng Khánh (Hưng Nguyên) là một trong những xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý.


Gia đình anh Trần Văn Minh (xóm 2 xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên) có một chiếc máy xay xát và nhiều đồ dùng điện trong nhà, từ khi bàn giao điện, được hưởng giá bán theo bậc thang của Chính phủ, gia đình anh đã tiết kiệm tiền điện được gần 100 nghìn đồng/tháng.


Không chỉ người dân được hưởng lợi khi bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý mà chính các công ty kinh doanh điện cũng được hưởng lợi. Anh Vương Đình Dũng, Phó phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Điện lực Nghệ An, cho biết: Trước khi tiếp nhận, tình trạng tổn thất điện năng chung lưới điện nông thôn đến 38%. Nhưng đến nay, sau 2 năm tiếp nhận, hệ thống lưới điện nông thôn được đầu tư, nâng cấp dây điện, cột, thay công tơ nên tổn thất điện năng đã giảm xuống 21%, làm lợi hàng chục tỷ đồng.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 130 xã do các tổ chức tại địa phương quản lý chưa được ngành Điện tiếp nhận. Trong đó, có trên 93 xã thuộc dự án Năng lượng nông thôn II (RE.II) và 37 xã không thuộc dự án do tổ chức kinh doanh điện nông thôn quản lý. Đối với 37 xã không nằm trong dự án RE.II, sau khi có công văn của Chính phủ và EVN, Sở Công thương và Công ty Điện lực đã về địa phương vận động xã bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý.

Song, khi đó các HTX này đang kinh doanh có lãi nên không muốn bàn giao. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên các HTX này gặp khó khăn trong công tác đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện. Số tiền chênh lệch giữa giá mua và bán chỉ đủ chi trả lương cho xã viên. Để không bị thua lỗ và có nguồn ngân sách chi trả cho bộ máy, các HTX này bắt buộc phải nâng giá bán điện cao hơn so với giá Nhà nước quy định, gây khó khăn cho người dân.


Hưng Châu (Hưng Nguyên) là xã nằm trong Dự án RE.II, nhưng từ tháng 8/2008 (có chủ trương bàn giao hệ thống lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý) đến tháng 4/2011, trên địa bàn xã mới được đầu tư nâng cấp hệ thống cột điện bằng nguồn vốn của dự án. Như vậy, việc chậm bàn giao hệ thống lưới điện cho ngành Điện quản lý gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của người dân và ngành Điện thất thu một số tiền lớn. Ông Lê Văn Vợi, Phó chủ nhiệm HTX xã Hưng Châu, cho biết: "Hệ thống lưới điện của xã được xây dựng từ năm 1986 nhưng do thiếu vốn nên HTX không nâng cấp được gì. Có nhiều tháng chúng tôi lỗ hơn 10 triệu đồng nên phải nâng giá bán điện lên. Bây giờ, chúng tôi rất muốn ngành Điện tiếp nhận.


Trước tình trạng làm ăn thua lỗ, nhiều HTX đã quay lại "ép" ngành điện phải tiếp nhận. Tuy nhiên, như anh Vương Đình Dũng cho biết thì các HTX này đang "làm khó" cho ngành Điện. "Khi làm ăn có lãi thì không chịu bàn giao, nhưng đến khi thua lỗ lại đòi bàn giao bằng được". Trước "đòi hỏi" của 37 xã trên, UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Theo đó, dự kiến đến tháng 6/2012, ngành Điện sẽ tiếp nhận 37 xã không nằm trong Dự án RE.II và có tờ trình đề nghị bàn giao.

Đến hết năm 2012, ngành Điện sẽ tiếp nhận toàn bộ 130 xã còn lại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, cộng với hệ thống lưới điện đã xuống cấp, Công ty Điện lực Nghệ An đang gặp khó khăn trong vấn đề nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp lưới điện cho các xã. Anh Dũng lo ngại: "Sắp tới, khâu định giá tài sản và hoàn trả vốn cho các HTX sẽ gặp khó khăn do phần lớn các HTX không có lưu giữ đầy đủ chứng từ và hồ sơ xây dựng công trình; những bản kê danh sách thu tiền từ các xã viên và người dân cũng không có nên việc bóc tách cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ phía HTX rất khó khăn. Hơn nữa, để tiếp nhận và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn, ngành Điện đang cần nhiều vốn nhưng lại rất khó vay và phải chịu lãi suất cao".


Phạm Bằng