(Baonghean) - Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, nhiều nhà, xí nghiệp đã tổ chức lễ ra quân, sản Xuất, kinh doanh đầu năm. Trên lĩnh vực nông nghiệp, không khí xuân đang ngập tràn trên mọi nẻo đường thôn quê, nhưng bà con các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… đã nô nức vui hội xuống đồng, mang theo niềm hy vọng một mùa vàng bội thu.

Công nghiệp, dịch vụ: Khẩn trương từ những ngày đầu

Sáng mùng 4 Tết Giáp Ngọ, tức ngày 3/2 dương lịch, trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới, Cảng Cửa Lò đã tổ chức lễ ra quân đón nhận mã hàng đầu tiên của năm Giáp Ngọ 2014. Tại lễ ra quân đón nhận chuyến hàng đầu tiên của năm 2014 này, Cảng Cửa Lò đã tiến hành bốc xếp trên 300 container lên xuống từ tàu Viet Sun Pacific trọng tải 8.000 tấn thuộc hãng tàu Vận tải Việt Nhật. Khối lượng hàng hóa bốc dỡ lớn, nhưng với tinh thần làm việc khẩn trương chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ khối lượng hàng hóa đã hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ. Anh Vương Đình Thắng, cán bộ điều độ của Cảng Cửa Lò cho biết: Đây là chuyến hàng xông đất đầu năm mới đến với Cảng Cửa Lò. Hy vọng năm 2014 sẽ có nhiều tàu cập cảng hơn nữa, không chỉ mang lại lợi ích cho  khách hàng mà còn tăng nhanh số lượng hàng hoá thông qua cảng, nâng cao doanh thu, và tạo điều kiện thuận lợi cả về việc làm cũng như đời sống cho công nhân lao động. Để bốc dỡ hàng đúng tiến độ, cảng đã huy động 2 tổ (mỗi tổ 15 công nhân) thay phiên nhau làm liên tục từ 7 giờ sáng đến 18 giờ tối để giải phóng tàu nhanh nhất. Sau khi nghỉ tết, anh em công nhân làm việc rất hăng say, khẩn trương nên sẽ đáp ứng được tiến độ đã đề ra. 

Sản xuất đầu năm tại Nhà máy sản xuất phân bón NPK cao cấp Sao Vàng. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2013 vừa qua, Cảng Cửa Lò (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Cảng Nghệ Tĩnh) đã tập trung đầu tư, trang bị thêm nhiều phương tiện, thiết bị, đồng thời tập trung cải tiến dây chuyền và công cụ xếp dỡ hàng hóa. Cảng đã đón hơn 960 lượt tàu nhận, trả hàng hóa, với sản lượng đạt trên 2,3 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2012; doanh thu đạt hơn 120 tỷ đồng, lãi ước đạt gần 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân lao động đạt trên 6 triệu đồng/ người/tháng, hoàn thành 100% nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm mới 2014, Cảng Nghệ Tĩnh phấn đấu đạt sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên 2,4 triệu tấn, doanh thu đạt 125 tỷ đồng.

Để đạt được chỉ tiêu trên, Cảng Nghệ Tĩnh sẽ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, bố trí hợp lý nhân lực, thiết bị, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, giải phóng tàu nhanh; tiếp tục đổi mới quy trình công nghệ xếp dỡ và đầu tư thêm thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cảng sẽ triển khai nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, mở thêm các tuyến vận tải Container tại Cảng Cửa Lò; thực hiện tốt quy chế dân chủ để tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cán bộ, công nhân viên chức.

Cùng ngày 4 Tết Giáp Ngọ, nhà máy sản xuất phân bón NPK cao cấp Sao vàng thuộc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã ra quân sản xuất những tấn hàng đầu tiên trong năm mới. Đây là một trong những đơn vị bắt đầu đi vào sản xuất sớm nhất trong các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta để kịp thời cung ứng phân bón cho sản xuất đông xuân. Trong ngày đầu tiên ra quân, nhà máy đã huy động hơn 80 công nhân làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều để đáp ứng được nhu cầu phân bón cho các huyện, thành thị trong toàn tỉnh .Chị Lê Thị Năm, quê ở Khối 1, Thị trấn Hưng Nguyên công nhân công ty cho biết: Năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty đã đảm bảo chế độ lương, thưởng tết cho công nhân đầy đủ. Sau khi nghỉ tết xong, anh em công nhân của công ty rất phấn khởi, háo hức bắt tay ngay vào làm việc. Chúng tôi hy vọng năm 2014, công ty tiếp tục giữ vững thị phần, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho công nhân. Cùng tâm trạng đó, anh Nguyễn Văn Hồng quê ở xã Nghi Long (Nghi Lộc), công nhân công ty cho biết: “Chúng tôi được nghỉ tết gần 1 tuần lễ nên bây giờ là thời điểm đi làm bình thường. Anh chị em công nhân ở đây ai cũng vui vẻ và phấn khởi mặc dù đi làm sớm. Trong buổi đầu ra quân, lãnh đạo công ty đã đến nhà máy cùng chúc mừng, động viên tinh thần làm việc của cán bộ nhân viên ngày đầu năm”. 

Năm 2013, ngoài kinh doanh các mặt hàng vật tư phân bón, giống cây trồng, TCT Vật tư Nông nghiệp Nghệ An  sẽ mở rộng đầu tư cổ phần chiến lược để tham gia sản xuất mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu và đưa dây chuyền xay xát lúa gạo công suất 130 tấn/giờ tại Khu công nghiệp Nam Cấm vào hoạt động, khép kín dây chuyền sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc thu mua tiêu thụ nông sản hàng hoá, nhất là lúa chất lượng cao mà công ty cung ứng đầu tư cho nông dân. Ông Trương Văn Hiền Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết: Dự kiến nhà máy sẽ sản xuất  khoảng 100 tấn phân bón và trong những ngày tiếp theo, năng suất sẽ đạt khoảng 180 – 190 tấn/ngày. Tổng sản lượng dự kiến trong năm 2014 của nhà máy là khoảng 50.000 tấn, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng.

Cũng từ ngày mồng 6 Tết âm lịch, các nhà máy đường, xi măng, dệt may trong tỉnh đã trở lại không khí làm việc bình thường. Các nhà hàng, siêu thị, chợ cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại sau một thời gian nghỉ Tết. Dọc trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quang Trung... nhiều cửa hàng đã mở cửa từ ngày mùng 2 Tết và đến sáng mùng 4 Tết thì hầu như các cửa hàng đã bắt đầu buôn bán, kinh doanh trở lại bình thường. Năm nay, do sức mua của người dân có phần hạn chế nên hàng hoá tại các cửa hàng đang còn rất dồi dào. Vì thế, việc mở hàng sớm của các cửa hàng vừa để xả hàng và đáp ứng nhu cầu của người dân mua sắm đầu năm. Chị Lê Thị Tuyết, chủ cửa hàng bán đồ điện tử trên đường Quang Trung cho biết: Lượng hàng hoá cửa hàng năm nay nhập về nhiều nhưng sức mua của người dân có phần kém đi nên hàng tồn rất nhiều. Vì thế mà gia đình chọn ngày mùng 3 Tết để mở hàng lấy may. Những ngày đầu năm, tuy không có nhiều khách đến để xem và mua sản phẩm nhưng công việc mua bán như vậy cũng tạm ổn và hy vọng năm nay việc kinh doanh buôn bán sẽ được thuận lợi. Cùng tâm sự đó, chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng tạp hoá tại đường Quang Trung cho biết: Tâm lý của người dân bây giờ là không tích hàng trong nhà nhiều nên từ mùng 4, chúng tôi đã mở hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đầu năm, việc bán buôn cũng không đặt nặng vấn đề dân số nên khách vào mua sắm cũng thoải mái. 

Với quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bước vào năm mới Giáp Ngọ với khí thế rộn ràng, sôi nổi và hứa hẹn một năm mới nhiều thành công mới. 

Nông dân nô nức xuống đồng...

Sáng mùng 4 Tết, khi đang còn mùi nhang thơm thoang thoảng của ngày Tết, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương đã ra đồng. Việc đầu tiên của anh là lật giở những tấm nilon phủ mạ để kiểm tra số diện tích mạ bắc từ trước Tết có phát triển bình thường hay không. Anh Nam cho biết, hầu như năm nào, người dân quê anh cũng ra đồng từ mùng 4, mùng 5 Tết. Đặc biệt, năm nay, thời tiết đẹp, trời nắng ráo, không có sương muối nên người dân càng phải ra đồng sớm để tranh thủ thời tiết và để cho kịp thời vụ.

Nông dân Quỳnh Lưu xuống đồng cấy lúa xuân. Ảnh: Châu Lan

Không riêng gì nông dân xã Thanh Tùng mà ở các xã khác như Thanh Hà, Thanh Long, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Lâm của huyện Thanh Chương, nông dân cũng chuyển Tết ra đồng với không khí phấn khởi, vui tươi. Dọc con đường liên huyện từ xã Thanh Hà qua Thanh Long, Võ Liệt của huyện Thanh Chương, từ mờ sáng mùng 4 Tết đã có rất nhiều người vác cuốc ra đồng, kiểm tra lại mương nước, lật giở những tấm bạt nilon ủ mạ và một số người dân khác tranh thủ nhổ mạ để cấy lúa.

Qua xã Thanh Khai của huyện Thanh Chương, dọc Quốc lộ 46, người dân xã Nam Thái, huyện Nam Đàn cũng ra đồng từ rất sớm. Phía dưới cánh đồng gần mộ thân mẫu Vua Mai, từ sáng đã vang lên tiếng người gọi nhau ý ới, hỏi thăm nhau chuyện Tết nhất, chúc nhau sức khỏe, niềm vui. Vừa tranh thủ nhổ mạ cho vợ cấy lúa, anh Nguyễn Đình Minh ở xã Nam Thái vui vẻ cho biết, từ trước Tết, thời tiết rét đậm, rét hại nên gia đình phải phủ nilon số diện tích đã gieo mạ. “Vừa ăn Tết vừa thấp thỏm lo lắng cho thửa mạ non, thế nhưng nhờ gieo và phủ nilon đúng kỹ thuật nên số diện tích mạ đều đảm bảo chất lượng. Hy vọng từ giờ đến hết tháng Giêng, thời tiết sẽ đẹp để diện tích lúa gieo cấy được phát triển tốt” anh Minh tâm sự.

Dù bánh chưng, mứt Tết đang còn rất nhiều trong nhà, không khí Tết cũng rộn ràng với những bài ca, tiếng hát đậm đà sắc xuân từ những bộ loa đài đời mới, thanh niên, học sinh vẫn đang rộn ràng du xuân, thăm thú bè bạn, thầy cô nhưng rất nhiều nông dân của xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên đã tranh thủ ra đồng từ rất sớm để cấy cho kịp thời vụ. Vừa tranh thủ hỏi thăm chuyện năm mới của gia đình người hàng xóm, chị Nguyễn Thị Mai lội phăng phăng mang mạ xuống cấy. Ở góc bên cạnh, anh Nguyễn Đình Bình cũng tranh thủ mang máy cày ra dập lại cho kỹ diện tích ruộng để ngày mai xuống mạ. Ở khắp các cánh đồng khác của huyện Hưng Nguyên, Thành phố Vinh, Nghi Lộc, bà con nông dân cũng đang rộn ràng mang Tết ra đồng. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng đối với những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn thì chỉ 3 ngày (30, mùng 1 và mùng 2) là họ thực sự được nghỉ việc đồng áng. Năm mới Giáp Ngọ này, báo hiệu những điều may mắn khi trời chiều lòng người, thời tiết ấm áp, thuận lợi cho việc xuống đồng. Hy vọng rằng, năm mới sẽ là một năm mưa thuận, gió hòa, khí trời ấm áp để nông dân có một mùa vàng bội thu.

Đi trên tỉnh lộ 538, quốc lộ 1A, trên khắp các cánh đồng ở Diễn Châu, Yên Thành người gánh mạ, gánh phân, người cấy lúa nhộn nhịp. Tại cánh đồng Cồn Trại, Đập Dành (xã Diễn Đồng, Diễn Châu) cả cánh đồng vui như ngày hội. Anh Trần Văn Chiến ở xóm 5 cho biết: Tết ở làng đang rất vui nhưng  chúng tôi phải ra đồng để kịp thời vụ.  Tiết trời đang ấm dần nên việc gieo cấy sẽ thuận lợi, 3 - 4 ngày nữa cả cánh đồng sẽ phủ toàn màu xanh. Được biết gia đình anh Chiến làm 4 sào ruộng, vụ trước gia đình làm loại giống AC5 và Khang Dân 18 đạt năng suất chất lượng nên năm nay toàn bộ diện tích được gieo bằng 2 giống lúa trên. Vẻ mặt phấn khởi, chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: Do các thửa mạ đều được che phủ nilon nên 100% diện tích mạ đều  sinh trưởng tốt. Vui tết nhưng không quên nhiệm vụ, sản xuất vụ xuân là quan trọng nhất trong năm nên chỉ đợi đúng ngày là ra đồng. Tận áp tết (ngày 29 âm lịch) gia đình tôi vẫn phải tập trung để làm đất cho thật nhuyễn nhão đúng với quy trình kỹ thuật. Theo chị Hà ngoài việc gieo cấy các giống lúa thuần, gia đình còn gieo thêm các giống lúa mới TBR 1 cho năng suất cao, đây cũng là cách thâm canh đa dạng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. 

Ông Trương Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng cho biết: Vụ xuân này Diễn Đồng gieo cấy 320 ha lúa, theo lịch thời vụ của huyện bắt đầu ngày 4 (âm lịch) là toàn xã ra mạ, gieo cấy. Cơ bản bà con đều thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, trên các cánh đồng tất cả bà con đều đồng loạt ra quân. Chủ yếu tập trung các giống lúa lai, AC5, Khang Dân 18… Dự định từ ngày mồng 4-5 âm lịch, toàn xã Diễn Đồng sẽ gieo cấy được khoảng trên 100 ha, cho đến ngày 14-15/1 (âm lịch) sẽ kết thúc đợt gieo cấy. Tại Diễn Đồng toàn bộ diện tích lúa đều đã chuyển đổi ruộng đất nên thuận lợi cho khâu làm đất, riêng hệ thống bờ vùng bờ thửa được đào đắp tu bổ trên 100.000 m3 đất nên hạn chế được thất thoát nước. Trong năm 2013, cùng với Nhà nước hỗ trợ và nội lực trong dân,  xã đã kiên cố hóa được 5 km kênh mương trị giá trên 10 tỷ đồng phục vụ tưới tiêu cho 120 ha của diện tích lúa 4 xóm. 

Ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết thêm: Vụ xuân này cơ bản Diễn Châu đã chuyển đổi xong ruộng đất, vì thế  9.100 ha đất lúa đều được làm xong đất trong Tết Nguyên đán và có thời gian để ngâm ủ phân chuồng và vôi bột diệt mầm mống sâu bệnh. Diễn Châu chia làm 2 trà gieo cấy từ ngày 4 tết (âm lịch) cấy trà sớm cơ cấu giống AC5, TBR 1, Khang Dân 18, trà 2 tập trung cấy các giống Nhị ưu 986, Khải Phong I… Dự định đến ngày mồng 5/1 (âm lịch) Diễn Châu sẽ gieo cấy được trên 3.000 ha, đến hết ngày 16/2 toàn huyện sẽ cấy xong. Ngày 6/1 (âm lịch) huyện thành lập đoàn gồm cán bộ các phòng Nông nghiệp, Khuyến nông, Trạm BVTV đi kiểm tra tiến độ gieo cấy và có các bổ cứu kịp thời cho vụ lúa xuân.

Tại Yên Thành, huyện lúa của tỉnh, trong làn sương mỏng mùa xuân, trên  cánh đồng Mặt Hai, Cả Nghè của xóm Lộc Thành (Nam Thành - Yên Thành) đã thấy tấp nập người  cấy lúa xuân. Chị Lê Thị Ngà chia sẻ: Gia đình làm 6 sào ruộng nửa trong số đó sử dụng giống Khang Dân còn lại sử dụng giống lai cho năng suất cao. Để đảm bảo lịch thời vụ thì gia đình tôi phải nhờ sự giúp sức của hàng xóm để quyết tâm trong 5 ngày tới sẽ cấy hết diện tích trên. Nhiều hộ còn mang theo bánh chưng, bánh tét, nước chè xanh ra đồng để ăn trưa chạy đua với thời vụ. Chiều mồng 4 tết ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cùng đoàn cán bộ xã đã đi kiểm tra các nương mạ, đôn đốc bà con gieo cấy, dự định đến hết ngày 8/1 (âm lịch) Nam Thành sẽ gieo cấy hết diện tích 260 ha lúa. Do ngay từ đầu vụ Nam Thành đã huy động lực lượng nạo vét được trên 10.000 m3 bùn đất kênh mương và kiên cố hóa được kênh 42 nên thủy lợi cho cây lúa rất thuận lợi. 

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, anh Nguyễn Văn Dương cho biết: Những ngày áp Tết Nguyên đán, cán bộ huyện “cắm” địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con ngoài phủ ni lon áp dụng rải tro bếp cho mạ, ban ngày tháo nước, ban đêm cho nước vào làm ấm cây mạ, vì vậy mạ sinh trưởng tốt đảm bảo phục cho trên 12.900 ha lúa. Đến thời điểm này Yên Thành chưa có xã nào phải bắc mạ dự phòng. Năm 2014, lập xuân vào ngày mồng 5 tết, trên cơ sở đó huyện chỉ đạo áp dụng đúng khung lịch thời vụ của tỉnh và tùy thời gian sinh trưởng của từng giống điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc, đảm lúa phân hóa đòng và trổ gặp thời tiết thích hợp. Cấy đảm bảo cho lúa xuân trổ tập trung từ 25/4 đến 5/5, tránh lúa trổ gặp rét cuối vụ, riêng những vùng sản xuất hè thu chạy lụt huyện khuyến cáo cho trổ vào 20/4-25/4. Năm nay Yên Thành đã chuyển đổi ruộng đất được 37/38 xã, Thị trấn, ngoài việc đưa cơ giới vào sản xuất chủ yếu làm đất thì tại xã Thọ Thành đã trình diễn mô hình sử dụng máy cấy lúa khá hiệu quả. Máy cấy lúa với đạt công suất cấy 1 ha/tiếng đồng hồ, máy phù hợp với các đồng đất lầy thụt, máy trị giá 100 triệu đồng, UBND huyện đã khuyến khích bà con mua máy được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh. Dự định đến hết ngày 12/2 Yên Thành sẽ gieo cấy xong. 

Để đảm bảo cấy đúng thời vụ, cấy đúng diện tích, góp phần có hiệu quả cao nhất trong sản xuất vụ xuân cũng ngay từ ngày mồng 4 tết toàn cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH - MTV Thủy lợi Bắc đã ra quân phục vụ sản xuất vận hành các máy bơm điện, các công trình tự chảy quyết tâm đảm bảo nước để bà con gieo cấy trên 62.000 ha lúa của 4 huyện trọng điểm Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Đối với các diện tích đã gieo cấy, công ty đảm bảo lượng giữ nước trên mặt ruộng từ 2-3 cm để bà con nông dân tỉa dặm kịp thời và bón thúc sớm để lúa nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh được thuận lợi. 

Vụ xuân này tỉnh ta gieo cấy trên 88.000 ha lúa, mở rộng các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng lúa gạo khá. Không cơ cấu các giống có năng suất thấp, nhiễm nặng sâu bệnh như IR1820, IR17497 (13/2),... vào sản xuất. Dự định đến 20/2 toàn tỉnh sẽ kết thúc gieo cấy. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương  có kế hoạch phân phối nước hợp lý, triệt để tiết kiệm nước. Lập phương án chủ động đối phó đối với các vùng khó khăn nước (nhất là vùng cuối kênh, vùng bán sơn địa và vùng miền núi). Vận hành các cửa cống đầu mối theo đúng quy trình được duyệt. Đối với các trạm bơm vùng ven biển và vùng gần cửa sông Lam, ven sông Cấm, kênh Hoàng Cần, sông Bùng phải kiểm tra chất lượng nước nghiêm túc, chặt chẽ trước và trong khi vận hành. Chỉ vận hành bơm nước tưới khi nồng độ mặn nguồn nước cho phép (đối với tưới lúa từ thời kỳ đẻ nhánh trở đi độ mặn không được vượt quá 1/1.000; Đối với mạ và lúa non nước phải ngọt hoàn toàn. Tập trung chăm sóc lúa cho trà xuân sớm...

Nhóm P.V