(Baonghean) -Thời gian qua, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Nghĩa Đàn ngày càng đi vào chiều sâu, khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân, từ đó xuất hiện nhiều gương gia đình vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi… Về Làng Trù, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, thấy đường làng ngõ xóm đều sạch đẹp, nhà nào cũng ngăn nắp thẳng lối, tình làng nghĩa xóm gắn bó. Chị Nguyễn Thị Thương, Trưởng ban Văn hóa xã Nghĩa Khánh cho biết: “Xây dựng nông thôn mới gắn liền xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã tạo ra phong trào thi đua mạnh mẽ trong mỗi người dân xã Nghĩa Khánh, ai cũng muốn đóng góp xây dựng xóm mình, quê hương mình giàu đẹp. Đến nay, Nghĩa Khánh có nhà văn hóa và khu vui chơi ở các xóm. Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt gần 80%. Từ năm 2006 đến nay, Nghĩa Khánh được Bộ Văn hóa tặng bằng khen về các hoạt động văn hóa - thông tin - thể thao”.

Sôi nổi phong trào xây dựng gia đình văn hóa ảnh 1Cây đa lịch sử làng Trù, xã Nghĩa Khánh được bà con gìn giữ bảo vệ

Xác định gia đình có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng làng văn hóa, những năm qua, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Nghĩa Đàn đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào: Xây dựng nông thôn mới, "Xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận", "Ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền"… Đặc biệt, hoạt động của các câu lạc bộ gia đình văn hóa tạo động lực thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tại cơ sở; tạo điều kiện để người dân giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; bài trừ các  tệ nạn xã hội. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều xây dựng được ít nhất 1 CLB gia đình văn hóa. Một số đơn vị có CLB gia đình văn hóa hoạt động hiệu quả như xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung…Bên cạnh đó, phong trào “Xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng” được nhân rộng. Từ đó,  xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương như: Mô hình trồng dong riềng của ông Nguyễn Văn Minh ở xóm 10A, xã Nghĩa An; chăn nuôi tổng hợp kết hợp với trồng rừng của ông Trương Đình Thống ở xã Nghĩa Long; mô hình "phù hợp với từng loại đất, nông vụ ngắn ngày, dài ngày để hỗ trợ cho nhau như sắn, lúa, mía kết hợp với trồng mây và nguyên liệu dâu" của ông Tăng Quang Phiệt ở xã Nghĩa Hội...Từ phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa như: gia đình bà Nguyễn Thị Lý, xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 12 năm liền; gia đình ông Trương Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Ngân, xã Nghĩa Long, 10 năm liền; gia đình ông Vi Ngọc Châu xã Nghĩa Hội là tấm gương điển hình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo…Tính riêng năm 2012, toàn huyện có 22.466 gia đình văn hóa, đạt 72,1%, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ gia đình văn hóa ước đạt 80%.

.Người dân tham gia thể thao trong Lễ hội Làng Trù.

Ông Lê Văn Khánh - Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghĩa Đàn cho biết: Để đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân, trước hết là sự gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào để biểu dương kịp thời những gia đình văn hóa tiêu biểu ở các xã, thị trấn. Lồng ghép các chương trình đầu tư, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đời sống văn hóa tinh thần của mỗi gia đình.

Bài, ảnh: Phạm Ngân