(Baonghean) - Trước đây, thị trường đất khu vực nông thôn trên địa bàn Nghệ An khá đìu hiu. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động mua bán đất đã sôi động trở lại. Nhờ từ nguồn quỹ đất, các địa phương có điều kiện hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tại địa bàn xã Bắc Thành, Yên Thành đợt đấu giá cuối năm 2016 vừa qua khá sôi động. Ông Lê Văn Thùy - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho biết: Xã đã đề xuất với UBND huyện quy hoạch đấu giá đất tại dọc tuyến Quốc lộ (QL) 7b để phát triển dịch vụ thương mại.
UBND xã đã phối hợp với Công ty đấu giá quốc tế tổ chức đấu giá quyền sử dụng 38 lô đất tại dọc tuyến QL 7b. Phiên đấu giá diễn ra rất sôi động, với hơn 300 khách hàng trong và ngoài xã Bắc Thành Hầu hết các lô đất đưa ra đấu giá đều cao hơn so với giá khởi điểm. Đơn cử, 1m2 đất trước đấu giá 2,3 triệu đồng, sau đấu giá tăng lên 3,5 triệu đồng/1 m2.
Dự kiến tháng 4/2017, Bắc Thành tiếp tục đấu giá đất 40 lô bám mặt đường QL 7b. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thùy, để đảm bảo an toàn trong các cuộc đấu giá đất, đặc biệt tránh nạn “cò” đất, phiên đấu giá tiếp theo xã đề xuất cần tăng tiền đặt cọc lên 30% với giá trị đất để hạn chế “cò” đất, mời công ty đấu giá đất có uy tín về để tổ chức đấu giá, tránh tình trạng công ty đấu giá thông đồng với “cò” đất để làm giá kiếm tiền bất chính. Ngoài lực lượng an ninh của xã thì UBND huyện cần tăng cường lực lượng công an huyện để đảm bảo an ninh cho phiên đấu giá đất.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, thời gian gần đây, giao dịch nhà, đất trên địa bàn huyện đã bắt đầu sôi động trở lại. Trong năm 2016, Yên Thành đấu giá quyền sử dụng đất được hơn 300 lô đất, trị giá hơn 82 tỷ đồng.
Sự sôi động trở lại của thị trường này có thể lý giải là do một số chính sách tín dụng đã được nới lỏng. Ngay tại điểm thị tứ, thị trấn người dân có nhu cầu mua tăng lên để kinh doanh dịch vụ thương mại. Giá bán tuy có sự điều chỉnh nhưng vẫn nằm ở mức phù hợp.
Do đó, hầu hết các lô đất được đưa ra công khai đấu giá đều được mua hết. Để hạn chế nạn “cò” đất, huyện đưa ra các giải pháp như xây dựng giá đất khởi điểm sát với giá thị trường, tuyên truyền đối với người dân về quy định của pháp luật không “hợp tác” với “cò” đất; đồng thời huy động lực lượng an ninh bảo vệ trước, trong và sau đấu giá đất.
Không chỉ ở Yên Thành, địa bàn xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai thị trường đất mấy năm nay đã “ấm” trở lại. Anh Lê Sĩ Hiệp ở xã Quỳnh Trang chia sẻ: "Do có nhu cầu mua đất để kinh doanh nên vợ chồng tôi đã làm đơn đấu giá và đã mua được đất ở thôn 3, bám mặt đường lên hồ Vực Mấu với diện tích 247 m2, giá 3 triệu đồng /m2".
Ồng Lê Đình Sĩ - cán bộ địa chính xã Quỳnh Trang cho biết: Đợt đấu giá đất gần đây, Quỳnh Trang quy hoạch bán 13 lô đất nhưng có hơn 100 người đăng ký và đã bán hết 100% sau đấu giá, với tổng giá trị hơn 6,2 tỷ đồng. Hiện nay, ở thị xã Hoàng Mai có khá nhiều đất dự án, nhưng người dân lại thích mua đất Nhà nước vì yên tâm hơn, mua xong là được cấp bìa ngay.
Thị xã đã duyệt mức giá hợp lý và xã Quỳnh Trang chú trọng đầu tư hạ tầng đầy đủ nên người mua đất thuận lợi khi xây dựng nhà cửa. Quỳnh Trang vừa tiếp tục quy hoạch chuẩn bị đấu giá 19 lô đất ở, giá Nhà nước 500.000 đ/m2, dự kiến sau đấu giá đạt 1,2 -1,5 triệu đồng/m2. Nhờ từ quỹ đất được hưởng 40%, xã có nguồn ngân sách để xây dựng hạ tầng, quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2018.
Ông Phạm Văn Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai cho biết thêm: Trong năm 2016, thị xã Hoàng Mai đã đấu giá quyền sử dụng đất được được trên 250 lô đất, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng. Các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất được nhiều như phường Mai Hùng 43 lô, trị giá 19 tỷ đồng; phường Quỳnh Phương 18 lô, trị giá 4,3 tỷ đồng…
Các phiên đấu giá đều nhộn nhịp, để việc đấu giá diễn ra công khai minh bạch và an toàn, Ban chỉ đạo đấu giá thị xã Hoàng Mai đã tăng cường công tác an ninh; có giải pháp nâng mức giá đấu để tránh tình trạng “cò” đất “hiệp thương”. Người đấu giá đất đều được phát thẻ, nếu vào phiên đấu giá không có thẻ đội an ninh sẽ mời ra.
Hiện 10/10 xã, phường của thị xã Hoàng Mai đều đã có quy hoạch sử dụng đất. Tùy theo nhu cầu để các địa phương bán đấu giá đất. Riêng địa bàn thị xã Hoàng Mai hiện có 6 dự án đầu tư hạ tầng để “chia lô, bán thửa”, trong đó, dự án khu dân cư du lịch và dịch vụ Cửa Cờn thuộc phường Quỳnh Dị do được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ nên bán được nhiều lô đất nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do công tác tuyên truyền thực hiện chưa thường xuyên, dẫn tới số người nắm thông tin để tham gia đấu giá ít. Trong khi đó, quá trình chuyển nhượng, mua bán đấu giá đất liên quan đến chính quyền cơ sở, nên khi chuyển đấu giá đất cho các doanh nghiệp thực hiện, tâm lý người dân chưa thực sự tin tưởng nên không tham gia đấu giá.
Ngoài ra, năng lực và kinh nghiệm thực tế của đấu giá viên ở một số tổ chức đấu giá chưa đáp ứng được trong từng hoạt động cụ thể. Còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao, chưa có tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá, cơ chế kiểm soát việc bán đấu giá... Sự phân bổ đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá tài sản không đồng đều giữa các vùng, miền.
Trên địa bàn tỉnh, đội ngũ đấu giá viên và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hiện tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Vinh, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện việc ký kết hợp đồng bán đấu giá với các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản để bán tài sản như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông. Như vậy, có thể nói đến thời điểm này, các hướng dẫn về việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất chưa đồng bộ, nên việc áp dụng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương gặp nhiều vướng mắc, khó thực hiện.
Văn Trường