(Baonghean) - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050” do tổ chức tư vấn Nhật Bản – Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd nghiên cứu lập quy hoạch.

Đó chính là căn cứ, nền tảng và là định hướng cơ bản,  quan trọng để thành phố vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên, từ quy hoạch đến thực tế là một quãng đường dài, rất dài. Trong lộ trình đó, mọi việc chắc chắn không diễn ra một cách suôn sẻ mà sẽ có rất nhiều yếu tố tác động nên luôn tiềm tàng nhiều khả năng phá vỡ quy hoạch đã định. Việc phát triển “nóng” của một số đô thị lớn ở nước ta trong thời gian qua đã cho thấy điều đó. Một khi quy hoạch ban đầu bị phá vỡ thì hậu quả rất khó lường và việc khôi phục lại là hầu như không thể và nếu làm thì sẽ vô cùng tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Do đó, điều quan trọng nhất là phải giữ vững được quy hoạch trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đó là một việc làm không dễ. Vì vừa phải thực hiện khẩn trương vừa phải kiên trì, kiên định theo đường hướng đã định và phải trải qua hàng chục năm mới có thể định hình được. Trong khi đó, nhân sự làm công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát lại điều hành  theo từng nhiệm kỳ 5 năm một. Liệu người đi sau có tôn trọng, có giữ vững được định hướng của người đi trước hay lại điều chỉnh quy hoạch để “tạo dấu ấn” hoặc là nhằm những mục đích khác. Do đó, việc trước hết là phải quản lý được quy hoạch đô thị nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, hạn chế tình trạng quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo.

Mặt khác, quản lý chặt để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để kiến nghị hay quyết định điều chỉnh quy hoạch. Nhưng những sự điều chỉnh nhất thiết không được phá vỡ quy hoạch chung đã có. Đương nhiên, việc quản lý quy hoạch đô thị trước hết là việc của chính quyền các cấp, bao gồm HĐND, UBND và các cơ quan chức năng trực thuộc. Tuy nhiên, dù có gắng sức đến mấy thì một mình chính quyền không thể nào đảm đương được hết mà rất cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư thành phố. Nhất là ý thức tự quản. Muốn có được điều đó thì phải mở rộng dân chủ để chính quyền cấp dưới và người dân có thể trực tiếp tham gia góp ý kiến vào chính cái mà người ta sẽ được giao quản lý và thụ hưởng.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì muốn quản lý tốt quy hoạch đô thị thì phải thỏa mãn một số điều kiện sau:  Trước hết phải có một quy hoạch đô thị tương đối hoàn chỉnh vừa thể hiện tầm nhìn xa rộng lại vừa phải mang tính khả thi cao, vừa bao gồm cả những đề án ngắn hạn lẫn những đề án dài hạn lại vừa phải hạn chế đến mức thấp nhất khả năng “quy hoạch treo”. Điều kiện này, TP. Vinh đã có.  Điều kiện tiếp theo là phải có một chính quyền nghiêm minh và chuyên nghiệp để tiến hành các bước đi cần thiết và phù hợp để biến đồ án quy hoạch trên giấy thành hiện thực trên từng con đường, góc phố và trên từng mỗi ngôi nhà. Nghiêm để không lay chuyển trước bất cứ sự tác động nào nhằm thay đổi quy hoạch để có lợi cho một thế lực nào đó. Minh là để xử lý công bằng, công tâm khi xảy ra các sự cố liên quan quy hoạch.  

Thực tế việc quản lý đô thị thời gian qua cho thấy điều kiện này có lẽ phải phấn đấu kiên trì, bền bỉ  thêm một thời gian nữa mới có thể đạt được. Công tác quy hoạch đô thị trước hết là công việc chuyên môn của những người có nghề. Cho nên để quản lý tốt quy hoạch đô thị nhất thiết phải có một cơ quan bao gồm  các kiến trúc sư,  kỹ sư xây dựng để bảo đảm về mặt hình thức của đô thị. Đồng thời  phải có  sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các chuyên gia tâm lý học, xã hội học và sử học để bảo đảm phần nội dung là hồn cốt, thần thái văn hóa, nét đặc trưng riêng có của “Phượng hoàng Trung Đô”.

Và cuối cùng, để quản lý tốt quy hoạch đô thị phải có sự tham gia xây dựng, giám sát thường xuyên, kịp thời của HĐND, UBND và người dân. Để giám sát tốt thì phải thường xuyên quảng bá, thông tin về quy hoạch đô thị cụ thể từng khu vực một để cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở và cả cộng đồng đô thị được biết tường tận. Chỉ khi biết được tường tận khu vực nào sẽ chỉnh trang, khu vực nào vẫn ổn định, đâu là dự án công ích, đâu là dự án kinh doanh... thì người được giao quyền quản lý mới có thể quản lý tốt và người dân có trách nhiệm chấp hành mới có thể chấp hành nghiêm. Về chuyện này, sự khuất tất thiếu minh bạch dù nhỏ đến mấy cũng sẽ trở thành trở lực lớn. Việc quản lý quy hoạch phải được tiến hành thường xuyên nhằm bảo đảm mọi công trình xây dựng mới trên địa bàn được thực hiện theo đúng các yêu cầu về quy hoạch, về kiến trúc và về quản lý (xin phép, nộp thuế...), đồng thời bảo đảm xử lý theo hướng ngăn chặn từ đầu các trường hợp vi phạm. Nhất là các trường hợp cố tình vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm quy hoạch và tránh  thiệt hại tài sản xã hội do phải phá bỏ, tháo dỡ. Như vậy là cần phải có một lực lượng chuyên trách kiểu như đội quy tắc đô thị để nâng cao hiệu quả công tác  quản lý quy hoạch.

Phải coi việc giữ vững quy hoạch chung của thành phố là nhiệm vụ trọng tâm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kỳ. Không được du di,  thay đổi vì bất cứ lý do gì. Đó chính là một trong những yếu tố cơ bản, quan trọng để thành phố phát triển đúng hướng và bền vững.  

Duy Hương