(Baonghean.vn) - Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, thường trên 40 độ, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng khiến con người không kịp thích nghi gây ra tình trạng sốc, mà thường gọi là say nắng.

Sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Cách nhận biết triệu chứng của sốc nhiệt

Mỗi người sẽ có những biểu hiện và triệu chứng sốc nhiệt khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến của sốc nhiệt bao gồm:

- Thân nhiệt cao nhưng không có mồ hôi

- Da nóng đỏ và khô

- Mạch nhanh, khó thở

- Hành vi kỳ lạ và có thể bị ảo giác

- Mất phương hướng

- Co giật (hoặc) và hôn mê

Ai cũng có thể bị say nắng

Bất cứ ai cũng có thể bị say nắng, nhưng riêng ở một số người nguy cơ này thường rất cao, đó là:

- Trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 4 tuổi, bởi khả năng dự trữ nước trong người quá thấp nên tình trạng mất nước diễn ra nhanh hơn. Mặt khác, trung tâm điều nhiệt ở trẻ giai đoạn này chưa thật ổn định.

- Người già, đặc biệt trên 60 tuổi. Lý do là khi có tuổi, chức năng hô hấp, tuần hoàn thường suy giảm đồng thời trung tâm điều nhiệt cũng dễ bị ảnh hưởng hơn. Mặt khác, người già thường có những bệnh mãn tính đi kèm và hay sử dụng nhiều loại thuốc. Tất cả những yếu tố trên khiến người già kém thích nghi hơn so với người trẻ. 

- Người mắc một số bệnh (tim, phổi, thận, béo phì, suy dinh dưỡng, cao huyết áp, tiểu đường...) và đang dùng một số loại thuốc kháng, thuốc giảm cân, lợi tiểu, an thần, thuốc chống động kinh, các thuốc tim mạch...

resize_images1920096_0.jpg

Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở cổ, nách và bẹn. 

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo có và có thể uống nước, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.

Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.

Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.

Nếu bệnh nhân mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).

Cách phòng ngừa sốc nhiệt 

Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao: Vào những ngày nắng nóng, trên 40 độ không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời,

Nếu phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi bù nước giữa giờ làm.  Không cho trẻ em hay người già, người mắc các bệnh mạn tính dưới trời nắng nóng quá 1 tiếng.

- Trang bị cá nhân đầy đủ trước khi đi ra ngoài: Nếu phải đi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, hãy trang bị áo cotton dài tay, nó không chỉ bảo vệ làn da mà còn giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ. Nên mặc quần áo sáng màu sẽ làm cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất.

Khi làm việc ngoài trời nắng phải trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,…

Cần mang theo đủ nước trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng bởi nắng nóng sẽ làm cơ thể con người nhanh mất nước, cần phải bù nước kịp thời. Nước vừa có tác dụng bù nước vừa giảm nhiệt cho cơ thể. 

- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Cần nhớ rằng cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Vào những ngày nắng nóng, nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.

Không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV có hại cho da và mắt.

- Thường xuyên uống nước:Cần uống nhiều nước dù chưa khát. Nên uống nước có pha muối, tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây. 

Ngọc Anh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN