(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 28/3/2014 có bài: "Buông lỏng quản lý khai thác rừng trồng” phản ánh: Trên địa bàn tỉnh hàng năm người dân và các công ty lâm nghiệp khai thác rất nhiều gỗ rừng trồng. "Bởi người dân khai thác rừng hầu hết tự liên hệ với các lái buôn gỗ, không làm hồ sơ thủ tục đăng ký khai thác gỗ rừng trồng". Nguyên nhân của thực trạng trên là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương từ xã đến huyện và các cơ quan chức năng liên quan.
Sau khi kiểm tra, xác minh các nội dung báo nêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo giải trình như sau:
I. Trình tự, thủ tục và phân cấp quản lý nhà nước đối với khai thác rừng trồng
1. Đối với chủ rừng là tổ chức
a) Khai thác rừng trồng tập trung bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại thực hiện theo Điều 8, Thông tư 35:
- Phương thức khai thác đối với rừng sản xuất: Do chủ rừng tự quyết định, nhưng nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng tiếp theo.
- Thiết kế khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra thực địa để thu thập số liệu, xây dựng bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc tỷ lệ 1:10.000 và viết thuyết minh thiết kế khai thác.
- Phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác: Chủ rừng là tổ chức thuộc tỉnh gửi 1 bộ hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ rừng là tổ chức không thuộc tỉnh gửi 1 bộ hồ sơ về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị, thuyết minh thiết kế khai thác và bản đồ khu khai thác.
b) Khai thác rừng trồng tập trung bằng vốn do chủ rừng tự đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo Điều 9, Thông tư 35:
+ Phương thức khai thác đối với rừng sản xuất: Do chủ rừng tự quyết định, nhưng nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng tiếp theo.
+ Thiết kế khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra thực địa để thu thập số liệu, xây dựng bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc tỷ lệ 1:10.000 và viết thuyết minh thiết kế khai thác.
+ Đăng ký khai thác: Chủ rừng tự phê duyệt thiết kế khai thác và gửi ở bộ hồ sơ về UBND cấp xã để đăng ký. Hồ sơ gồm: Bản đăng ký khai thác, quyết định phê duyệt thiết kế khai thác, thuyết minh thiết kế khai thác và bản đồ khu khai thác.
2. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân
a) Khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại thực hiện theo Điều 18, Thông tư 35:
- Phương thức khai thác đối với rừng sản xuất: Do chủ rừng tự quyết định, nhưng nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng tiếp theo.
- Thiết kế khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra, xác minh tại thực địa để xây dựng sơ đồ khu khai thác và viết thuyết minh thiết kế khai thác.
- Cấp phép khai thác: chủ rừng gửi 01 bộ hồ sơ về UBND cấp huyện. Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị, bản thuyết minh thiết kế khai thác, sơ đồ vị trí khu khai thác.
b) Khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng vốn do chủ rừng tự đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo Điều 19, Thông tư 35:
- Phương thức khai thác đối với rừng sản xuất: Do chủ rừng tự quyết định, nhưng nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng tiếp theo.
- Lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra, xác minh tại thực địa và lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác.
Đăng ký khai thác: Chủ rừng gửi 1 bộ hồ sơ về UBND cấp xã để đăng ký. Hồ sơ gồm: Bản đăng ký khai thác, bảng dự kiến sản phẩm khai thác.
c) Khai thác gỗ rừng trồng trong vườn nhà, trang trại và cây gỗ trồng phân tán thực hiện theo Điều 20, Thông tư 35: Lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra thu thập số liệu và lập bảng dự kiến khai thác.
- Đăng ký khai thác: Chủ rừng gửi 1 bộ hồ sơ về UBND cấp xã để đăng ký. Hồ sơ gồm: Bản đăng ký khai thác, bảng dự kiến sản phẩm khai thác.
II. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; của UBND huyện và UBND xã trong công tác quản lý khai thác rừng trồng
1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quy định tại Điều 30, Thông tư 35
- Hướng dẫn chi tiết về những nội dung các mẫu biểu và các văn bản khác có liên quan đến thủ tục khai thác rừng trồng để thống nhất áp dụng tại địa phương.
- Kiểm tra, giám sát việc giải quyết, xử lý các thủ tục khai thác rừng trồng của UBND cấp huyện, cấp xã.
- Thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 33, Thông tư 35.
2. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
- Thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục khai thác rừng trồng trên địa bàn huyện.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc xác nhận các thủ tục cấp phép khai thác và kết quả kiểm tra, giám sát trong quá trình khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn huyện.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn huyện.
- Đề xuất với UBND cấp tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của các chủ rừng trong lĩnh vực khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
- Kiểm tra, giám sát việc giải quyết, xử lý các thủ tục khai thác rừng trồng của UBND cấp xã. Được phép đình chỉ hoạt động, từ chối giải quyết hoặc không cho phép Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nếu chủ rừng, đơn vị khai thác để xẩy ra vi phạm hoặc không thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định.
- Thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 33, Thông tư 35. Hạt kiểm lâm huyện, các phòng chức năng của huyện giúp Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định.
3. Trách nhiệm của UBND cấp xã
- Thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục khai thác rừng trồng trên địa bàn xã.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc xác nhận các thủ tục và kết quả kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện của các chủ rừng, đơn vị khai thác trên địa bàn xã.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn xã.
- Đề xuất với UBND cấp huyện giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của các chủ rừng, đơn vị khai thác trong lĩnh vực khai thác rừng trồng.
- Được phép đình chỉ hoạt động, từ chối giải quyết các thủ tục khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của các chủ rừng, đơn vị khai thác, nếu để xảy ra vi phạm hoặc không thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định.
- Thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 33, Thông tư 35. Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã giúp Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quy định ở Điều này.
III. Thực trạng công tác quản lý và một số nội dung báo nêu đối với khai thác gỗ rừng trồng
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức (do Sở Nông nghiệp và PTNT cấp phép khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ) thực hiện các bước trình tự, thủ tục khai thác gỗ nghiêm túc, đúng quy trình.
Việc phân cấp quản lý nhà nước đối với khai thác gỗ rừng trồng như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ rừng khi làm các thủ tục khai thác. Tuy nhiên, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế trong suy nghĩ, cho rằng đất của hộ được Nhà nước cấp và kinh phí tự bỏ vốn trồng dẫn đến tình trạng khai thác rừng non, khai thác không có hồ sơ, thủ tục đăng ký như nội dung Báo Nghệ An số ra ngày 28/3/2014 đã phản ánh là có thực. Cùng với đó, việc chính quyền cấp huyện, cấp xã theo dõi cấp phép, quản lý khai thác lâm sản nói chung và gỗ rừng trồng nói riêng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định, chưa có giải pháp xử lý các chủ rừng vi phạm dẫn đến việc theo dõi, quản lý sản lượng rừng trồng, công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo chưa kịp thời và đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 700/NN-LN ngày 8/4/2014 đề nghị UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt các nội dung về quản lý khai thác gỗ rừng trồng quy định tại Thông tư số 35.
Nội dung Văn bản số 700/NN-LN ngày 8/4/2014 nêu rõ các nội dung UBND các huyện, thị xã cần thực hiện và một số giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng 2014 và làm tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác sử dụng gỗ rừng trồng. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến cáo chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hạn chế khai thác rừng non; nên khai thác rừng trồng khi đã thành thục công nghệ (6 đến 7 năm đối với các loài cây mọc nhanh như: keo, bạch đàn, bồ đề) để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi việc khai thác gỗ rừng trồng, việc chấp hành các nội dung hướng dẫn khai thác của các chủ rừng, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm; Chi cục Lâm nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và chủ rừng thực hiện đúng trình tự, thủ tục khai thác gỗ và lâm sản, định kỳ tổng hợp báo cáo.
Trên đây là một số ý kiến giải trình Báo Nghệ An và một số giải pháp để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý khai thác gỗ rừng trồng. Cảm ơn quý Báo đã phản ánh kịp thời những thông tin nêu trên, kính mong quý Báo tiếp tục phối hợp và giúp đỡ Sở Nông nghiệp và PTNT làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Sở NN&PTNT