(Baonghean) - Theo lộ trình số hóa truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ sau năm 2020, truyền hình phát sóng bằng tín hiệu tương tự sẽ hoàn toàn dừng phát sóng. Vấn đề là đến nay, nhiều người dân vẫn không biết thông tin này và không hiểu tại sao lại phải dừng phát sóng truyền hình tương tự và số hóa truyền hình…
Sự cần thiết của đề án số hóa
Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg về “Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”.
Mục tiêu của quyết định là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả; từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao; hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước.
Theo quyết định, mục tiêu đặt ra đến 31/12/2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Người xem truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự sẽ xem được rất nhiều kênh truyền hình với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn, số lượng kênh tăng thêm. Tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng nhiễu như xem tín hiệu truyền hình tương tự.
Với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2, (Digital Video Broadcasting - Terrestrial- tiêu chuẩn được Việt Nam lựa chọn) cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình bình thường.
Với ưu thế về sử dụng băng tần, phần “dôi dư” này có thể dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng thế hệ thứ tư (4G) và các dịch vụ thông tin vô tuyến khác.
Lộ trình thực hiện
Việt Nam sẽ thực hiện số hóa song song với ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng tương tự và chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.
Giai đoạn 2, sẽ tiến hành số hóa tại 26 tỉnh khác như Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Trong nhóm này các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.
Giai đoạn 3 tiếp tục mở rộng ra 18 tỉnh thành khác gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau... với thời hạn cuối cùng ngày 31/12/2018. Cuối cùng, giai đoạn 4 sẽ tiến hành với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... với hạn chót là ngày 31/12/2020.
Từ 1/11/2015, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã công bố Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình. Để có thể tắt được sóng truyền hình tương tự (analog) ở Đà Nẵng, hàng loạt các công việc đã được triển khai. Đầu tiên VTV nâng cấp phủ sóng truyền hình số ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam để đảm bảo chất lượng thu xem truyền hình của người dân và ngày 28/10/2015, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo tính toán hiện nay, ở Việt Nam có hơn 12 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị xem truyền hình bằng cách thu sóng thông qua ăng-ten dàn, khoảng 5 triệu hộ có hợp đồng thuê bao truyền hình trả tiền (cáp hoặc số vệ tinh) và gần bằng số đó thiết bị thu mặt đất không phù hợp chuẩn mới. Đối với những hộ đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền không cần phải thay đổi thiết bị nếu không phát sinh nhu cầu khác. Với số còn lại, việc chuyển đổi thiết bị và công nghệ là cần thiết, tuy nhiên mức chuyển ở mức độ nào thì phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ trong tương lai.
Theo đề án, kể từ ngày 1/4/2014, các loại TV sử dụng công nghệ màn hình LCD, LED… và các công nghệ màn hình tiếp theo có kích thước màn hình trên 32 inches, được sản xuất ở trong nước cũng như nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và một năm sau, từ ngày 1/4/2015, quy định nói trên sẽ áp dụng với các loại TV có kích thước màn hình từ 32 inches trở xuống. |
Thay đổi thiết bị thu
Thực tế hiện nay không phải ai cũng tự giải đáp được các câu hỏi có liên quan đến số hóa truyền hình mặt đất như: Vì sao cần phải số hóa? Tại sao phải mua máy thu hình mới khi chiếc TV trong nhà vẫn đang xem tốt? Tại sao nên mua TV có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo chuẩn mới ngay từ bây giờ? Và nhiều câu hỏi khác liên quan.
Thực tế là không phải tất cả các thiết bị thu đều phù hợp với quy định mới. Nếu người tiêu dùng ở các thành phố thuộc nhóm 1, như đã nêu trên, mua loại TV không theo chuẩn DVB-T2 thì nhiều khả năng họ sẽ phải mua thêm đầu thu kỹ thuật số hoặc chọn thuê bao truyền hình cáp nếu muốn xem được các chương trình truyền hình kể từ đầu năm 2016 dù nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình quảng bá mà thôi.
Những người đang sử dụng loại TV không tích hợp DVB-T2 có thể mua thêm bộ đầu thu để tiếp sóng thay vì mua TV mới. Các hộ gia đình có TV tích hợp theo chuẩn mới có thể không cần mua bộ giải mã nếu nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình mà các đài phát không khóa mã nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền.
Qua tìm hiểu, đến nay, không phải ai cũng hiểu rõ quy định trên, đặc biệt là quy định đó có ảnh hưởng trực tiếp tới mình như thế nào. Đến đầu tháng 8/2016, tại các siêu thị điện máy lớn ở Nghệ An, khi hỏi một số khách hàng khi mua TV cho gia đình sử dụng, phần đông đều chỉ quan tâm tới hãng sản xuất, kích thước và độ phân giải màn hình… mà không biết; hoặc không quan tâm đến việc các thiết bị thu phải tích hợp tiêu chuẩn DVB-T2 sau ngày 1/4/2014 phải trên các thiết bị lớn hơn 32 inches.
Lộ trình số hóa truyền hình trên cả nước chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Nghệ An 1 trong 18 tỉnh nằm trong giai đoạn 3 với thời hạn cuối cùng ngày 31/12/2018. Các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... hạn chót là ngày 31/12/2020.. |
Theo lộ trình, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực được thành lập và tham gia vào thị trường truyền dẫn phát sóng, người dân sẽ còn được thu xem thêm nhiều kênh truyền hình. Khi đó, người dân ở một tỉnh không chỉ thu xem được kênh truyền hình của riêng tỉnh đấy mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác trong cùng khu vực. Một yêu cầu đặt ra trong hành trình thực hiện đề án là không làm gián đoạn khả năng theo dõi đủ các kênh truyền hình quảng bá mà các đài truyền hình ở Việt Nam đang cung cấp cho người xem, đặc biệt là sau khi dừng phát sóng hệ tương tự. Điều mà người dùng cần biết là khi lộ trình triển khai thực hiện đề án được hoàn thành đối với từng khu vực được quy định cụ thể và kết thúc toàn bộ vào năm 2020.
Phan Nguyên Hào(Sở TT&TT Nghệ An)