Các cử tri: Lê Đăng Thùy - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh; Đậu Minh Công - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai phản ánh, việc thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam còn có nhiều tồn đọng, vướng mắc trong công tác hoàn trả mặt bằng, các kiến nghị của người dân chậm được giải quyết như: Mương thoát nước bị chặn hoặc không có hướng chảy, đường gom dân sinh hẹp hơn so với hiện trạng ban đầu hoặc không còn đường vào đất sản xuất (khối 7, xã Quỳnh Vinh), đường đắp nền dẫn đến mưa bị dính đất, mùa khô bị bụi đất, dòng sông bị bồi đắp... gây khó khăn cho Nhân dân các xã. Kiến nghị có các giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải có ý kiến trao đổi như sau:

Theo báo cáo của Ban QLDA 6: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa bàn thị xã Hoàng Mai với chiều dài khoảng 9km (Km386-Km395) đã hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT để thông xe khai thác tạm từ ngày 01/9/2023.

Cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai. Ảnh: P.V

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án vừa qua còn một số tồn tại, phát sinh cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế cũng như đảm bảo ATGT và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực tuyến đi qua. Trên cơ sở Văn bản số 1864/UBND-QLĐT ngày 10/7/2023 của UBND thị xã Hoàng Mai và qua các buổi kiểm tra, rà soát, làm việc tại hiện trường với lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai, UBND xã Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang, Ban QLDA 6 đã có Văn bản số 1403/BQLDA6-BĐH NS-DC ngày 04/8/2023 chỉ đạo các Nhà thầu thi công thực hiện và Văn bản số 1404/B QLDA6-BĐH NS-DC ngày 04/8/2023 trả lời các kiến nghị của UBND thị xã Hoàng Mai.

Ban QLDA 6 đã và đang tiếp tục đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường,... đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Cử kiến nghị xây dựng kè chắn taluy và xây lại mương thu gom nước trên tuyến đường du lịch ven sông Lam (Quốc lộ 46C) đoạn chạy qua địa bàn xã Hưng Lĩnh có chiều dài 2,7 km để đảm bảo an toàn cho tuyến đường và an toàn cho Nhân dân. Hiện nay phần cơ đường bị lún, sạt lở đất đổ xuống mặt đường gom dân sinh phía dưới, làm cho tuyến đường này bị thu hẹp, gây ách tắc giao thông và mương tiêu thoát nước bị bồi lắng, mỗi khi có mưa, lượng nước từ mặt đường, mái taluy đổ xuống chảy tràn vào nhà dân (cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên). Mở thêm dốc qua Đê 42 (qua Quốc lộ 46C) vì hiện tại mỗi trục đường mới có 01 dốc vừa lên, vừa xuống nhưng nhỏ, hẹp và đã xuống cấp nghiêm trọng (cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên).

Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải có ý kiến trao đổi như sau:

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT: Qua kiểm tra, các dốc qua đê mà cử tri xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên phản ánh nằm tại các vị trí K69+000, K69+500 và K70+350 đê tả Lam (còn gọi là đê 42) thuộc địa phận xã Hưng Lĩnh. Tuyến đê tả Lam đi qua địa bàn huyện Hưng Nguyên là đê cấp II. Hiện tại, các vị trí này phía sông đã có 1 nhánh dốc lên đê và phía đồng đã có 2 nhánh dốc xuống đấu nối với Quốc lộ 46C.

Theo khoản 2, Điều 25, Luật Đê điều thì việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với tuyến đê cấp II phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra, việc bổ sung nhánh dốc lên sẽ làm thay đổi quy mô, vị trí đấu nối với tuyến Quốc lộ 46C nên cần có sự thống nhất của Cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Hưng Nguyên chủ trì, xây dựng phương án sửa chữa, mở thêm dốc qua đê để vừa đảm bảo chức năng chống lũ của tuyến đê tả Lam, vừa đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 46C, trình Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong thời gian các dốc qua đê chưa được sửa chữa, mở thêm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống trong vùng nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, tuân thủ các biển báo, biển chỉ dẫn của ngành giao thông, đồng thời tuân thủ việc sử dụng xe cơ giới có tải trọng cho phép đi trên đê để không làm hư hỏng mặt đê, dốc qua đê.

- Cử tri các xã: Hưng Tân, Hưng Thông, Long Xá và thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên kiến nghị nâng cấp, mở rộng đường 542C vì mặt đường hẹp, xe lưu thông nhiều nhất là xe có trọng tải lớn.

Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải có ý kiến trao đổi như sau:

Tuyến đường tỉnh 542C có chiều dài là 8km, điểm đầu giao Quốc lộ 46 tại Km18+600 (trái tuyến) thuộc địa phận thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, điểm cuối giao Quốc lộ 46C thuộc địa bàn xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Với quy mô đường cấp IV đồng bằng, Bnền = 9,0m, Bmặt = 8,0m, mặt đường thảm bê tông nhựa. Tính tới thời điểm hiện tại trong năm 2023, Sở GTVT Nghệ An ngoài việc quan tâm tới công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên trên toàn tuyến ĐT.542C thì còn giao việc cho đơn vị quản lý chỉnh trang lại hệ thống cọc tiêu, cọc H đầy đủ phản quang, bổ sung hệ thống biển báo hiệu, biển cảnh báo cơ bản phần nào giúp an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận cho Sở GTVT đầu tư sửa chữa các điểm hư hỏng mặt đường nặng đoạn qua địa bàn xã Hưng Thông, xã Hưng Tân. Dự án dự kiến sửa chữa với chiều dài khoảng 2,6km, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, công trình hoàn thành trong quý IV/2023.

Do nguồn kinh phí bảo trì của tỉnh còn hạn hẹp, mặt khác còn phải phân bổ để sửa chữa các tuyến đường tỉnh khác cũng đang có dấu hiệu xuống cấp. Cho nên việc mở rộng tuyến đường tỉnh 542C chưa thể thực hiện ngay được, Ban QLBTĐB sẽ tham mưu cho Sở GTVT và UBND tỉnh Nghệ An trong thời gian tới có kế hoạch bố trí nguồn vốn để tiến hành mở rộng quy mô nền, mặt đường của ĐT.542C nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các phương tiện tham gia lưu thông được an toàn.