gs.ts nguyễn lân dũng 

* Xin cho biết cách nào tốt nhất để sơ cứu người bị bỏng?

Vũ Minh Huyền, Chợ Mới, Bắc Kạn

Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) hoặc yếu tố hoá học (acid, kiềm…) gây ra trên cơ thể. Da là bộ phận thường bị tổn thương nhất khi bị bỏng, kế đến là các lớp sâu dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan nội tạng (đường hô hấp, ống tiêu hoá, bộ phận sinh dục…).

Khi bị bỏng, việc tự sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Tốt nhất khi bị bỏng nhẹ, cần ngâm ngay vết thương vào nước lạnh, càng sớm càng tốt. Ngâm chỗ bỏng vào nước máy, nước giếng khoan hoặc dùng vòi nước đang chảy xả vào chỗ bỏng trong 15- 20 phút, như vậy sẽ làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, có tác dụng giảm độ sâu của bỏng.

772840_small_71101.jpg

Hoặc đắp chỗ bỏng bằng gạc (khăn tay hoặc khăn tắm) thấm nước lạnh cho đến khi bớt đau. Cần tháo hết các đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, dây thắt lưng hoặc quần áo chật tại vùng bị bỏng trước khi chỗ bỏng sưng lên. Khi bỏng nặng: Nếu quần áo nạn nhân đang cháy, dội nước lên nạn nhân, hoặc trùm khăn lên nạn nhân và đặt nằm dưới đất. Không nên cởi quần áo đã dính vào vết thương, nhưng phải che vùng bỏng lại bằng quần áo sạch, khô, không có bụi, bông để tránh nhiễm trùng.

Cắt lọc bỏ da đã bị nát cho vết bỏng vừa sạch vừa gọn. Cho bệnh nhân bỏng mặc quần áo nhẹ, vô trùng hoặc không mặc gì để vết bỏng dễ khỏi. Cố gắng giữ da sạch sẽ và cách ly bệnh nhân. Tuyệt đối không ngâm đá lạnh mà chỉ dùng nước sạch bình thường làm hạ nhiệt độ bề mặt da, tránh cho vết bỏng khỏi bị rộp.

Không được dùng mỡ trăn hoặc dầu cá để sơ cứu vết bỏng. Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Vì thế mà làm cho vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và thu hút ruồi nhặng đến. Thực ra mỡ trăn và dầu cá có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Vì vậy, người ta thường sử dụng kết hợp với các thuốc khác tạo thành hợp chất có tác dụng như mỡ, kem, chỉ dùng cho những trường hợp bị bỏng sâu, và vào tuần lễ thứ ba sau khi bỏng.

Không nên dùng các biện pháp phản khoa học khác như bôi nước mắm, bôi tương, nước tiểu, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương…Nhiều lương y dởm đã chữa bỏng bằng các biện pháp hay các bài thuốc chưa được xác nhận, gây nên nhiều tình trạng tiền mất, tật mang, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhiều người nghe theo những bài thuốc dân gian “truyền miệng”, sơ cứu vết thương ban đầu bằng cách bôi nước mắm, vôi bột, thuốc đánh răng, xà phòng… vào vết bỏng. Cách sơ cứu này đã khiến không ít người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng, việc điều trị càng khó khăn và nguy hiểm hơn.

Anh Nguyễn Văn Quang, ở Chiêm Hóa – Tuyên Quang khi nghe theo lời mách bảo của những người trong làng đi lấy nước mắm và vôi bột bôi, rắc lên vết bỏng hơi nồi áp suất. Kết quả là vết bỏng ở mặt và cánh tay phải của anh Quang bị nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử và rất nguy kịch phải vào điều trị lâu dài ở Viện Bỏng Quốc gia.

Dùng kem đánh răng: Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương. Họ quan niệm kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Song, thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn. Trong trường hợp bỏng axít, phải làm loãng nồng độ axít trên da bằng cách ngâm ngay vào nước lạnh. Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng, bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.

Đối với bỏng nước sôi hay lửa, không được dùng xà phòng, kem đánh răng vì nó chỉ làm tăng thêm sự đau đớn.


Theo Nông nghiệp Việt Nam