(Baonghean) - Nhóm đồng môn cùng học phổ thông với nhau, gần nửa đời người phấn đấu nhưng chức vụ sàn sàn nhau, không anh nào vượt qua cái ghế trưởng phòng. Thế rồi một anh bạn thuộc loại có năng lực “ đột phá”  được đề bạt làm giám đốc một đơn vị quan trọng. Chúng tôi bàn nhau huy động cả lớp mang hoa đến cơ quan chúc mừng, nhưng anh bạn mới lên chức khẩn khoản từ chối:

- Mình rất cảm ơn các bạn, nhưng mình mới nhận chức đừng làm ồn ào quá nhiều người lại hiểu sai.

Một trường hợp khác,  có một anh bạn trẻ là cán bộ khoa học có kiến thức, trí tuệ sắc sảo nhưng mỗi lần mời tham gia hội thảo anh đều từ chối. Tôi hỏi vì sao thì anh trả lời:

- Tôi đang còn trẻ, công trình nghiên cứu chưa nhiều, tham gia hội thảo có tranh luận với các nhà khoa học sợ bị hiểu sai.

Trong đời làm báo, tôi đã gặp khá nhiều cán bộ lãnh đạo có thành tích xuất sắc, sống rất mẫu mực nhưng khi đề nghị viết bài nêu gương trên báo thì đều từ chối với lý do rất giống nhau: “Mình cứ làm cho tốt là được chứ đưa lên báo có khi bị hiểu sai”.

Sợ bị hiểu sai chỉ là một khía cạnh tâm lý trong cuộc sống nhưng phản ánh thực tế hiện nay là tư tưởng hẹp hòi vẫn đang níu kéo làm cho nhiều người không phát huy được năng lực, sở trường. Nếu không được khắc phục, tâm lý sợ bị hiểu sai sẽ cản trở sự tiến bộ của nhiều người.

Bên cạnh tâm lý sợ bị hiểu sai như trên đây, có những trường hợp người ta che đậy sự không trung thực bằng lý do sợ bị “hiểu sai”. Trong cơ quan nọ, cấp trưởng và cấp phó bất đồng với nhau về cách sống nhưng không góp ý trực tiếp mà thường nói xấu nhau sau lưng. Khi mọi người khuyên giải thì ông cấp trưởng bảo rằng:

- Mình là cấp trưởng, phê bình cấp phó trước tập thể sợ mọi người hiểu sai là không tôn trọng cấp dưới.

Còn ông cấp phó thì nói rằng: 

- Mình là cấp phó, phê bình cấp trưởng sợ mọi người hiểu sai là kèn cựa với cấp trên.

Có trường hợp, vào dịp bình bầu thi đua cuối năm, tập thể cơ quan ưu ái nhường danh hiệu thi đua cao nhất cho thủ trưởng mặc dù thành tích công tác bình thường. Khi duyệt danh sách, cấp trên có ý kiến thì ông thủ trưởng thanh minh:

- Thực tình tôi thấy mình chưa thật xứng đáng với danh hiệu này nhưng nếu không nhận sợ anh em hiểu sai.

Dù dưới dạng nào thì tâm lý sợ bị hiểu sai cũng là một biểu hiện tiêu cực. Sợ bị hiểu sai do giữ gìn quá mức thì sẽ tự hạn chế mình, không dám thể hiện bản lĩnh, năng lực và trí tuệ. Trong tình thế đối phó, đưa ra lý do sợ bị “hiểu sai” để che đậy sự không trung thực là biểu hiện thiếu nhân cách. Sống có bản lĩnh, trung thực với chính mình và với mọi người thì sẽ không bao giờ sợ bị “hiểu sai”.

Trần Hồng Cơ