Lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) Nga vừa bất ngờ công bố video ghi lại cảnh nạp RS-24 Yars vào giếng phóng - dòng tên lửa mạnh hơn ICBM Mỹ.
Đoạn video được đăng tải bởi hãng RT cho thấy đơn vị tên lửa ở Kozelsk thực hiện cuộc huấn luyện này chính là nơi đầu tiên ở Nga được vũ trang bằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars phiên bản giếng phóng.
Video cho thấy cảnh vận chuyển tên lửa cực lớn, loại có thể tiêu diệt toàn bộ một thành phố. Chiếc xe tải chở tên lửa đạn đạo liên lục địa được cảnh sát, lính cứu hỏa và các xe quân sự tháp tùng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, việc vận chuyển và xử lý loại vũ khí nặng 50 tấn, dài 23m này đòi hỏi sự nhẹ nhàng. Sau khi nhận được lời cầu chúc từ một linh mục, tên lửa được hạ dần xuống hầm ngầm sâu 30m bằng một thiết bị đặc biệt. Quá trình này kéo dài tới vài giờ.
"Việc hạ tên lửa xuống hầm ngầm được chia làm vài giai đoạn. Ban đầu là nạp rồi dựng tên lửa vào vị trí thẳng đứng, tiếp đó là đưa tên lửa vào đúng vị trí", thiếu tá Kirill Golubev, chỉ huy Lực lượng SMF ở Kozelsk cho biết.
Theo Tư lệnh Lực lượng SMF, Đại tướng Sergei Karakayev công bố, hiện nay Moskva đang sở hữu tới 400 ICBM. Số tên lửa này chiếm trên 60% số đầu đạn và phương tiện phóng của bộ ba hạt nhân Nga.
Với số lượng ICBM này cho thấy đã có sự chênh lệch về cán cân trong lực lượng Nga và Mỹ. Hiệp ước START mới, do Tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama và người đồng cấp Nga khi đó là ông Medvedev ký kết vào ngày 8/4/2010, đã cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước xuống còn 1.500 đầu đạn.
Số lượng tên lửa ICBM và máy bay ném bom chiến lược hạng nặng được triển khai giới hạn ở con số 700. Theo dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi đầu năm, cả 2 phía đều chạm ngưỡng hoặc gần chạm ngưỡng số đầu đạn quy định.
Mỹ có 741 phương tiện phóng được triển khai, với 1.481 đầu đạn hạt nhân, còn Nga có 521 phương tiện phóng với 1.735 đầu đạn. Sự chênh lệch này không đáng kể và không ảnh hưởng đến mức cân bằng chiến lược.
Hiện tại, Nga triển khai ít phương tiện phóng hơn nhưng đó là do các ICBM có khả năng mang đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV) nên có phạm vi ứng dụng rộng hơn - một ICBM có thể mang tới 10 đầu đạn.
Trong khi đó, ICBM trên bộ duy nhất còn trong biên chế quân đội Mỹ là Minuteman 3. Mỗi tên lửa chỉ mang 1 đầu đạn W87 với đương lượng nổ 300 kiloton (mặc dù nó có thể mang tới 3 đầu đạn).
Tên lửa cuối cùng được sản xuất từ năm 1978, tức là thành viên "trẻ nhất" trong gia đình Minuteman cũng đã gần 40 tuổi. Các tên lửa này đã trải qua nhiều lần nâng cấp và dự kiến sẽ được sử dụng tới năm 2030.
Hệ thống ICBM mới của Mỹ - GBSD (răn đe chiến lược trên bộ) - có vẻ đang gặp phải bế tắc trong quá trình bàn thảo. Không quân Mỹ đang đề xuất khoản chi 62,3 tỷ USD để phát triển, sản xuất các tên lửa mới và hy vọng sẽ nhận được 113,9 triệu USD trong năm 2017. Tuy nhiên, Nhà Trắng không ủng hộ đề nghị này.
Đáng chú ý là, chính phủ Mỹ đang có kế hoạch đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào vũ khí hạt nhân: khoảng 324 tỷ USD vào năm 2024 nhưng chỉ có 26 tỷ USD dành cho ICBM. 26 tỷ USD là không đủ cho chương trình GBDS. Chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều, do đã một thời gian dài Mỹ không sản xuất ICBM mới trên bộ.
Loại tên lửa mới nhất - LGM118A Peacekeeper được triển khai vào năm 1986 nhưng 50% trong số chúng đã bị loại biên vào năm 2005. Có thể nói LGM118A Peacekeeper là một bước cải tiến so với Minuteman 3, bởi các tên lửa Peacekeeper có thể mang tới 10 đầu đạn.
Bất chấp thất bại của Hiệp ước START 3, trong đó nghiêm cấm sử dụng đầu đạn MIRV, Mỹ vẫn tự nguyện từ bỏ các đầu đạn này.
Với Mỹ, ICBM đã không còn đáng tin cậy và giá thành cao. Tuy nhiên, trái với tuyên bố, Lầu Năm Góc lại đang rất tích cực hiện đại hóa lực lượng tên lửa ICBM của mình bằng cách tìm kẻ thế chỗ cho Minuteman 3.
Theo Baodatviet