Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng tham khảo các vấn đề mà SLNA đang phải đối diện. Vấn đề đầu tiên chính là kinh phí, sau 1 thập kỷ gắn bó, dường như Bắc Á vẫn là “người đồng hành” duy nhất của bóng đá xứ Nghệ. Rất cảm ơn nhà tài trợ này, nhưng với nguồn kinh phí và cách làm như thế, những con người như vậy đội bóng xứ Nghệ khó có thể nhảy vọt.
Nhìn về V.League 2020
Nhưng tại V.League không chỉ có mỗi SLNA mà Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng và phần nào đó là HAGL đang vướng phải những khó khăn như thế. Mặt sân Vinh dù được mệnh danh “xấu nhất vịnh Bắc Bộ” nhưng vẫn còn "coi được" so với sân Lạch Tray và tất nhiên đủ điều kiện thi đấu hơn sân Hà Tĩnh.
Kinh phí 51 tỷ đồng bước 1 để nâng cấp sân vận động Hà Tĩnh “như muối bỏ bể”, với việc chưa có dàn đèn và hàng loạt hạng mục tối thiểu, hiện nay Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh vẫn chưa được cấp phép sân thi đấu. Viễn cảnh sau khi “mượn quân” là đến “mượn sân” của đội bóng nam bờ sông Lam là có thực.
Trong phận “nhà nghèo” V.League người ta còn thấy Nam Định, Hải Phòng và HAGL. Với Nam Định, ngoại trừ sự ra đi của Văn Quý, việc giữ chân được các cầu thủ đáo hạn hợp đồng đã được coi là thành công chứ không nói gì đến việc đưa về sân Thiên trường “bom tấn, bom tạ”.
Với Hải Phòng, việc ra đi của HLV Việt Hoàng cùng 12 cầu thủ, số phận cũng chả khác đội chủ sân Vinh là mấy. Trong khi đó HAGL khi ông chủ Đoàn Nguyên Đức đã phải thu nhỏ quy mô kinh doanh, bán sạch cổ phần các công ty bất động sản, thủy điện thì CLB cũng phải bóp hầu bao là điều đương nhiên. Thậm chí, sẽ có cầu thủ tốt còn bị bán đi, bởi bầu Đức vẫn quan niệm V.League chỉ “đá cho vui”.
Nút thắt vấn đề
Như vậy, khó khăn không chỉ đến với SLNA mà cỡ 1/3 các đội V.League cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Mà nói cho cùng độ 1 thập kỷ nay, đã bao giờ đội bóng xứ Nghệ “rủng rỉnh” hầu bao lúc nào đâu (?!!) mà phải lo lắng. Có tiền tài trợ đúng hẹn đã là may lắm rồi.
Về chuyên môn, SLNA vẫn còn bộ khung Văn Khánh, Xuân Mạnh, Văn Đức, ít nhiều thì các “lão tướng” Quang Tình, Văn Bình, Đình Đồng vẫn gánh được 10 - 12 trận trong mùa giải tới. Vấn đề lớn của BHL SLNA, đặc biệt là cá nhân HLV Quang Trường đó là chọn mua ngoại binh.
Vẫn dùng bài ngồi đợi Tây đến sân Vinh thử việc thì việc chọn lựa ngoại binh sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, việc “mua lại” các ngoại binh đã thi đấu tại V.League thì đã muộn, các cầu thủ còn lại đều vừa khỏi chấn thương như Oseni (Hà Nội), rủi ro cao. Đây là vấn đề khó, có tính quyết định đến thành tích của SLNA mùa giải tới trong quá trình trẻ hóa đội hình.
Nếu vẫn công thức “1 tây ngon kèm 2 tây dở” như những mùa bóng trước đây, không bắt nhịp được 7 - 8 vòng đấu đầu tiên, SLNA sẽ gặp rất nhiều vấn đề phải đối diện. SLNA có tiếng là “máy dầu”, màn khởi động đầu mùa giải thường chậm chạp, mất điểm vô duyên.
Ngạc nhiên nhất, mùa giải năm ngoái, mua ngoại binh muộn, không tham gia tập huấn như thường lệ, SLNA lại có sự khởi đầu suôn sẻ bằng 2 trận thắng 1 hòa. Nếu tính rộng ra 6 trận đầu mùa giải, 4 trận thắng, 1 hòa, 1 thua là mùa giải SLNA có sự khởi đầu tốt nhất trong vòng nhiều năm nay. Tinh thần này cần tiếp tục phát huy vào mùa giải này, kinh nghiệm cho thấy đội hình nhiều cầu thủ trẻ, nếu để “xịt sớm” sẽ rất khó đá.
Theo kế hoạch, ngày 5/2/2020 sẽ diễn ra trận tranh Siêu Cúp như một sự khởi động cho mùa bóng mới. Vòng đấu đầu tiên của Cúp Quốc gia diễn ra ngày 9/2; V-League chính thức lăn bóng vào ngày 22/2 và sau đó đúng 1 tuần là giải hạng Nhất 2020 sẽ được khởi tranh.
Khán giả xứ Nghệ có lẽ phần nào cảm nhận được những khó khăn của “ta” và “địch”, câu hỏi: Liệu SLNA có bị xuống hạng hay không? tự dưng đã có lời giải. Dường như trong trái tim của bao cổ động viên xứ Nghệ, SLNA mãi mãi là đội bóng không bao giờ xuống hạng.