Với tình hình như hiện nay, nếu cuối mùa giải trừ khi đứng cuối BXH đành chấp nhận, nếu đá play-off thì đội hạng Nhất cũng không có nhiều khả năng thắng được đội bóng xứ Nghệ. Nhưng nếu để điều đó xảy ra, quả là đáng xấu hổ cho đội bóng có tiếng tăm như SLNA.
Thay đổi gì đây?
Ngoại trừ SLNA, bốn trong 5 đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng đều đã có sự thay đổi trước khi lượt đi khép lại. Nếu như Nam Định sa thải Benjamin, dùng chiêu “khích tướng” bằng cách trao chiếc băng đội trưởng cho Henry thì Sài Gòn đã thay ông bầu. Với nhiều năm làm Trưởng ban tổ chức V-League ông Dương Nghiệp Khôi được cho rằng sẽ biết các “ngóc ngách” sân cỏ Việt Nam. HLV Tài Em hy vọng sẽ bớt phải than thở các tiếng còi của trọng tài sau các trận đấu.
Việc Hữu Thắng đến sân Thống Nhất được coi là liệu pháp tích cực để HLV Miura có điều kiện thay đổi cách quản lý, huấn luyện và thi đấu. Vai trò của nhà cầm quân này sẽ càng lớn hơn trong đợt V-League tạm nghỉ trước khi lượt đi trở lại.
FLC Thanh Hóa, vẫn chưa trở lại đường đua nhưng tân HLV Đức Thắng đã mạnh tay trảm hàng loạt công thần, lập lại trật tự phòng thay đồ. Họ cũng đã gọi những cầu thủ trẻ cho các đội mượn về chuẩn bị cho lượt về.
SLNA đã thua cả 2 trận trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp vị trí “trở về mái nhà hạng Nhất” là Nam Định và Sài Gòn. Trong đó, việc để thua Nam Định 0-1 ngay trên sân Vinh được coi là trận thua xấu hổ và khiến cho họ lâm vào tình thế đầy bất lợi như hiện nay.
Trong khi từ lâu ông thầy Văn Sỹ Sơn đang thăng hoa cùng Hà Nội FC, Thành Công và mới đây Hữu Thắng đi “giải cứu” 2 đội bóng sân Thống Nhất, Ngô Quang Trường đang giúp Hải Phòng thêm vững vàng, thì tại xứ Nghệ, SLNA đang chìm dần, chìm dần. HLV Đức Thắng đã tính đến chuyện từ chức, nhưng ai sẽ lên thay và thay đổi theo hướng nào đây?
Đó mới là câu chuyện cần bàn đối với SLNA lúc này!
Vá hay xây mới?
Những dấu hiệu báo hiệu cho cái “chết lâm sàng” của một đội bóng có bề dày lịch sử như thành tích đào tạo trẻ kém, khán giả không còn tha thiết đến sân Vinh cổ vũ, thành tích đội 1 trụt trùi…đã được biện minh, lý giải theo nhiều cách khác nhau.
Việc giành Cúp quốc gia, một đấu trường mà các đội chỉ dùng đội dự bị thi đấu lấy lệ, rồi sự thành công của đội tuyển U23 trong đó cho Văn Đức, Xuân Mạnh đã che đi phần nào công tác chuẩn bị mùa bóng của SLNA. Để rồi, đá 12 trận, thua đến 6, hòa 5 và chỉ thắng được duy nhất đúng 1 trận đấu!
Nhiều người nhận định, SLNA là “đặc sản” của xứ Nghệ. Suốt 9 năm qua, Bắc Á là “nguồn sống” đối với đội bóng này nhưng cách quản lý “chả giống ai” của nhà tài trợ đã khiến cho đội bóng xứ Nghệ không phát triển được. Đây là cơ hội để các bên ngồi nhìn lại chiến lược phát triển môn thể thao Vua này ở xứ Nghệ một cách đúng hướng, bởi 2 tướng Thắng, cùng dàn tuyển thủ quốc gia mà đội bóng chỉ hòa và thua thì nó thuộc lỗi hệ thống.
SLNA đang cần làn gió mới, trẻ trung và năng động. Đã đến lúc những người cao tuổi cần phải lùi sau hậu trường để đội bóng “làm mới” chính mình chứ không đơn thuần thay HLV này bằng HLV khác, kéo dài giai đoạn “chết lâm sàng”. Thực tế, “kho HLV” SLNA giờ đây cũng đã cạn nhân lực, những người có năng lực tốt, phần lớn đều đã ra đi!