Người xứ Nghệ tự hào SLNA là đội bóng duy nhất ở Việt Nam chưa từng xuống hạng. Bộ sưu tập tại phòng truyền thống của CLB có khoảng 40 cái cúp lớn nhỏ của tất cả các giải đấu quốc gia, từ đội 1 đến các đội trẻ. SLNA vô địch quốc gia tới 3 lần cùng 3 lần đoạt Cúp quốc gia. Chưa bao giờ ĐT Việt Nam thiếu vắng những cầu thủ SLNA hoặc xuất thân từ lò SLNA.
Phận con nhà nghèo
Nhưng lần đội bóng này vô địch V.League thì cũng đã cách đây 8 năm, còn thành tích tốt nhất gần đây cũng chỉ là chức vô địch Cúp quốc gia 2017, giải đấu mà nhiều đội bóng không mặn mà. Với 8 năm dài đằng đẵng, thành tích tốt nhất của SLNA chỉ là đứng thứ 4 chung cuộc trong các mùa 2012, 2013 và 2018. Ngoài ra, là các thứ hạng được coi là thất bại đối với một đội bóng đã có bề dày lịch sử 4 thập kỷ như thứ 5 (2014), thứ 7 (2015), thứ 8 (2017) và thứ 9 (2016).
Nhìn những cầu thủ thành danh lần lượt ra đi tìm bến đỗ mới cuối mùa bóng, những ngoại binh rẻ tiền thi đấu phập phù cho đủ đội hình, người hâm mộ xứ Nghệ chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền trong bóng đá chuyên nghiệp đè nặng lên lãnh đạo đội bóng nhà nghèo. Ngoài đội hình 1, thì CLB phải thường xuyên duy trì đào tạo trẻ đầy đủ các lứa từ U11 đến U21 với khoảng 200 cầu thủ.
Không tuyển được trẻ có chất lượng, cầu thủ trưởng thành sau 23 tuổi là rời sân Vinh đi mưu sinh, đó là căn bệnh trầm kha bấy lâu của CLB. Không ít người buồn bã khi 37 cầu thủ dự tuyển HLV Park Hang-seo triệu tập chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2020 không hề có cầu thủ lò SLNA. Phận “con nhà nghèo” nên họ không biết làm gì hơn ngoài việc cầu mong đến một ngày đẹp trời có Mạnh thường quân xuất hiện.
Những trục trặc tài trợ đầu mùa bóng khiến SLNA gặp phải những chuyện dở khóc, dở cười. Không đủ tiền buộc HLV Đức Thắng phải rút lui khỏi giải tập huấn Viettel mở rộng. Thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng chỉ tập “chay” ở sân Vinh và may thay vớ được những quân xanh như Ulsan Hyundai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa để lắp ráp đội hình.
Trở lại cuộc đua
Việc xuất hiện nhà đồng tài trợ An Thịnh Phát với gói kinh phí 20 tỷ đồng/năm cùng 30 tỷ đồng từ ngân hàng Bắc Á, SLNA sẽ có kinh phí 50 tỷ đồng cho mùa giải này. Đây là gói tài trợ tốn rất nhiều công sức đàm phán của lãnh đạo địa phương, CLB SLNA có lúc tưởng những mọi việc thoát ra khỏi tầm tay. Ngay cả khi lễ công bố nhà tài trợ được tổ chức thì An Thịnh Phát và SLNA vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều ràng buộc, cam kết được đưa ra để có cái bắt tay đồng hành dài hơi.
Số tiền kinh phí 50 tỷ đồng/năm, chưa kể kinh phí đào tạo trẻ 25 tỷ đồng/năm do tỉnh cấp đã đưa SLNA bước lên hàng đại gia V.League tương đương với B.Bình Dương và SHB.Đà Nẵng. Có tiền SLNA sẽ chủ động giữ chân được hàng loạt trụ cột như thủ môn Nguyên Mạnh, hậu vệ Đình Hoàng hay tiền vệ Khắc Ngọc vài tháng trước khi hợp đồng kết thúc. Cho phép SLNA sẽ tìm kiếm được các ngoại binh khác hơn những mùa giải qua. Sân tập được cải tạo, trang thiết bị tập luyện, điều kiện ăn ở, đi lại cho các cầu thủ sẽ được nâng cấp.
Theo quy luật thì “lượng đổi, chất sẽ đổi” nhưng với bóng đá, mọi việc không đơn giản như thế. Khá nhiều đội bóng, sau giai đoạn được bơm tiền, thành tích không nhích lên mà còn có phần trồi trụt, Than Quảng Ninh mùa này là một ví dụ điển hình nhất. Ông Nguyễn Hồng Thanh và BHL SLNA vẫn còn rất nhiều việc phải làm để SLNA mùa này có thành tích tương xứng với số kinh phí có được.
Thế nhưng mãi sau 3 vòng đấu, SLNA mới có thêm nguồn kinh phí tài trợ đồng nghĩa với họ không kịp bổ sung lực lượng tại lượt đi V.League. Nhưng người hâm mộ xứ Nghệ vẫn mong muốn thầy trò Đức Thắng có trận đấu khởi sắc trên sân Hàng Đẫy như lời cảnh báo với các đội V.League: SLNA đã trở lại cuộc đua! Có thể, đội bóng xứ Nghệ chưa có ngay chiến thắng, nhưng cái mà người hâm mộ cần thấy là các cầu thủ ra sân với tinh thần thi đấu máu lửa, đúng "chất Sông Lam".