(Baonghean.vn) - Bước chân vào trường y, xác định để trở thành một bác sỹ giỏi đồng nghĩa với việc bước đi trên một quãng đường dài học tập, rèn luyện căng thẳng, áp lực. Đó là lời chia sẻ của rất nhiều sinh viên theo học các trường đại học y.
Ngành y không chỉ học nặng mà còn yêu cầu sinh viên phải có sức khỏe tốt để đương đầu với những áp lực, cường độ làm việc liên tục.
Nguyễn Thị Cẩm Thơ, sinh viên năm 6 ngành bác sỹ đa khoa của trường Đại học Y khoa Vinh từng đạt giải Sao tháng Giêng cho biết, trở thành bác sỹ cứu giúp người bệnh là ước mơ từ bé của mình. Ngày còn nhỏ, từ một cô bé đau ốm liên miên thường xuyên phải nhập viện nhưng nhờ sự cứu chữa tận tình của các y, bác sỹ, Thơ có thể đến trường, sinh hoạt bình thường. Và nhất là sau khi trải qua biến cố bà bị đột quỵ vào năm cấp 3, Thơ càng quyết tâm thi đậu vào trường y để vừa có thể chăm sóc sức khỏe được cho người thân lại vừa cứu giúp được cho nhiều người.
Là sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường, Thơ đã trải qua gần như mọi cảm xúc của một sinh viên trường y. Khác với các sinh viên các trường đại học khác, ngay từ những năm 1, năm 2, sinh viên trường y phải đối mặt với những giờ học, lịch thi cuốn chiếu mà tài liệu ôn là những cuốn sách dày cộp, những lần học thâu đêm suốt sáng, chỉ dám ngủ 2 - 3 tiếng mỗi ngày.
Kể về những lần thi cử, Thơ cho biết, căng thẳng nhất có lẽ không thể không nhắc đến những lần thi chạy trạm, cuộc thi mà mỗi sinh viên sẽ di chuyển đến từng trạm với những đề thi được đặt sẵn trên bàn rồi trả lời trong 1 thời gian nhất định sau đó nhanh chóng chuyển sang trạm khác để hoàn thành phần thi.
Bắt đầu từ năm 3 trở đi, cuộc sống của tất cả sinh viên trường y có thể gói gọn lại trong vòng tròn giữa đi học ở trường, đi trực bệnh viện và về nhà. Thơ chia sẻ, lịch trình hằng ngày của mình bắt đầu đi lâm sàng vào lúc 7 giờ ở bệnh viện. Sau khi đi hỏi bệnh các bệnh nhân hoặc tham gia vào việc tiêm chuyền cùng các y tá, Thơ cùng các bạn sinh viên khác sẽ nghe các bác sỹ giảng bài. Tuy nhiên, do các bác sỹ có nhiều bệnh nhân cần chữa trị nên việc giảng dạy không ít lần diễn ra vào tầm 11, 12 giờ trưa. Đến chiều, sinh viên trường y lại quay lại trường để học tiếp các kiến thức mới trước khi quay lại bệnh viện lúc 19 giờ cho đến tận 7 giờ sáng ngày hôm sau nếu có lịch trực.
Tuy còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng sinh viên khoa y vẫn trực thâu đêm cùng với bác sỹ, y tá để cấp cứu cho người bệnh. Hay có những ngày, nhiều ca bệnh cấp cứu dồn dập khiến sinh viên khoa y còn không kịp ăn uống thậm chí là cả đi vệ sinh, những lần bản thân bị ốm nhưng vẫn đeo khẩu trang đi khám…đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật mà có lẽ dần trở thành đặc trưng của riêng sinh viên học ngành y.
Vào các ngày thứ 7, chủ nhật, sinh viên trường y cũng không có nhiều thời gian rỗi khi mà hầu hết lịch thi đều rơi vào 2 ngày này. Thêm vào đó, trường y không có thời gian cho sinh viên nghỉ ôn thi như các trường khác nên Thơ và các bạn sinh viên ngành y chỉ còn cách tranh thủ học bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu miễn có thời gian rảnh rỗi.
Nhớ về những kỷ niệm trong suốt 6 năm học, Thơ và cũng như mọi sinh viên trường y không bao giờ quên những lần tham gia mổ xác, ám ảnh bởi mùi thuốc phoóc môn, chứng kiến giây phút bệnh nhân được cứu sống hay bị bệnh viện trả về sau những ca cấp cứu giành giật lại sự sống từ tay tử thần cho người bệnh...
Thơ tâm sự, thời gian đầu, bản thân Thơ cảm thấy nhiều lúc bất lực, hoang mang, lo sợ bản thân mình chưa đủ bản lĩnh mỗi lần chứng kiến khoảnh khắc, ranh giới giữa sự sống và cái chết của người bệnh. Lúc ấy, Thơ lại càng thấm câu nói “bác sỹ chữa được bệnh nhưng không cứu được mệnh của bệnh nhân”. Sau này, khi có kinh nghiệm và học lên cao, những cảm xúc ấy mới dần biến mất.
Cuộc sống của một sinh viên trường y tuy áp lực, vất vả, nhưng nhiều sinh viên theo học ngành y như Thơ đều không hối hận trước quyết định của mình. Bởi chỉ cần nhìn những nụ cười của bệnh nhân, của người nhà bệnh nhân sau khi được chữa trị là đã đủ động lực giúp các vị bác sỹ, y tá, điều dưỡng tương lai tiếp bước trên con đường theo đuổi ngành y của mình./.
Chu Thanh