(Baonghean) - Đây là một trong những nội dung trọng tâm vừa được Trường ĐH Vinh ký kết trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác Nhật Bản.

Mới đây, Trường Đại học Vinh đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Học viện Jinno, Công ty JIC và Hiệp hội liên kết sáng tạo doanh nghiệp Pacific của Nhật Bản.

Theo đó, các bên thống nhất hợp tác trên các lĩnh vực: Giảng dạy, đào tạo tiếng Nhật; Tiếp nhận sinh viên Trường Đại học Vinh tham quan, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản; Giới thiệu điều dưỡng viên; Tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; Hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng giảng viên. 

Đồng thời, trường phối hợp với Đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức và một số trường đại học nước ngoài tổ chức hội thảo giới thiệu các chương trình du học. Phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức Ngày văn hóa Israel tại Trường Đại học Vinh; tổ chức cho Đại sứ Israel nói chuyện với giáo viên và sinh viên khoa Nông - Lâm Ngư về cơ hội thực tập nghề tại Israel.

images1862676_bna_58db91ec35f2b.jpgTrường Đại học Vinh ký kết hợp tác với Học viện JINNO- Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê

Đặc biệt, nhà trường đang tiến hành các thủ tục cần thiết để gia nhập Hiệp hội CDIO quốc tế và gia nhập Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Cùng với đó, một số dự án có đầu tư quốc tế đã được triển khai có hiệu quả tại trường. Đơn cử, trong khuôn khổ dự án “Hệ thống canh tác an toàn ở Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ, từ tháng 2/2017, các chuyên gia của Công ty Inoue Calcium - Nhật Bản phối hợp với các giảng viên của khoa Sinh học - Trường Đại học Vinh tiến hành thử nghiệm các chế phẩm sinh học an toàn của Công ty Inoue Calcium để phòng và trị một số bệnh trên cây cam ở các huyện Nghi Lộc, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn.

Việc thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của chế phẩm trên các dòng cam Vinh trong điều kiện khí hậu của địa phương và đệ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép để sớm đưa chế phẩm vào sử dụng ở Việt Nam.

Giờ thí nghiệm của sinh viên Trường ĐH Vinh. Ảnh tư liệu

Theo đánh giá của Trường Đại học Vinh, các dự án và hoạt động HTQT nói trên đã góp phần nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của nhà trường về đổi mới phương thức đào tạo, cải tiến nội dung, phương pháp dạy và học; mở thêm các ngành và các hệ đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, giúp nhà trường tăng nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ; thiết lập được mối liên kết nghiên cứu giữa nhà trường và khu vực sản xuất nhằm gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn, nâng cao hiệu quả phục vụ kinh tế - xã hội. 

Học sinh Trường CĐ nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc theo học lớp đào tạo theo chương trình của Australia. Ảnh: Thanh Lê

Ở Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, đẩy mạnh HTQT, nhà trường đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo tiêu chí của trường nghề chất lượng cao và xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngoài hợp tác truyền thống với Hàn Quốc, hiện trường đang thực hiện dự án đào tạo theo tiêu chuẩn Quốc tế giữa Việt Nam với Australia với hai lớp đào tạo kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí và kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.

Học sinh tốt nghiệp được cấp bằng của Australia, bằng Việt Nam và có thể đi làm hoặc được học liên thông lên đại học tại Australia. Ngoài ra, thông qua Dự án hợp tác với Hội đồng Anh, Trường CĐ nghề - KTCN Việt Nam - Hàn Quốc là 1 trong 6 trường trong cả nước được lựa chọn để hợp tác xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng.

Học sinh tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề KTKT Việt Nam- Hàn Quốc được các doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng. Ảnh: Thanh Lê

Song song với hợp tác đào tạo, một trong những nội dung được Trường Cao đẳng nghề  KTCN Việt Nam - Hàn Quốc đẩy mạnh đó là hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như: Tập đoàn thép Posco Vũng Tàu, Hyundai, Sam Sung Thái Nguyên, Bắc Ninh, Emtech Vinh Tân... để tuyển dụng học sinh sau đào tạo, nhận học sinh đi thực tập, đưa lao động của doanh nghiệp đến đào tạo nâng cao tay nghề tại trường, đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, tham gia đánh giá kỹ năng nghề, tham gia xây dựng chương trình đào tạo.

Có thể khẳng định, hoạt động HTQT trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới. Đồng thời tác động tích cực đến chuyển đổi mô hình đào tạo và đặc biệt là tư duy đào tạo phục vụ nhu cầu người học, doanh nghiệp và xã hội của các nhà trường; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN