Vượt qua 79 đội chơi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, đội sinh viên Việt Nam đã giành được giải Ba cuộc thi quốc tế về thiết kế mô phỏng giao thông Virtual Design World Cup.

Virtual Design World Cup là cuộc thi quốc tế về thiết kế mô phỏng giao thông dành cho sinh viên được tổ chức thường niên tại Nhật Bản nhằm tìm kiếm ý tưởng hay cho quy hoạch đô thị với mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2015 chủ đề của cuộc thi là "Tái phát triển khu vực nhà ga Keelung ở Đài Loan". Các đội tham dự phải lập phương án quy hoạch khu vực nhà ga cổ Keelung, biến nơi này từ một khu vực thuần thương mại hàng hóa sang phát triển thương mại du lịch.

Được giới thiệu về sân chơi này, 3 sinh viên năm thứ năm lớp Xây dựng công trình giao thông tiên tiến ATP-K52, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội gồm Hà Tuấn Anh (đội trưởng), Nguyễn Thị Ngọc Diễm và Trần Nguyên Anh lập nhóm tham gia.

Hà Tuấn Anh và Nguyễn Thị Ngọc Diễm của đội thi UTC-DIAN nhận giải Ba cuộc thi Thiết kế mô phỏng giao thông quốc tế. Ảnh: NVCC.
Hà Tuấn Anh và Nguyễn Thị Ngọc Diễm của đội thi UTC-DIAN nhận giải Ba cuộc thi Thiết kế mô phỏng giao thông quốc tế. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với VnExpress, Tuấn Anh cho biết, khi tìm hiểu sản phẩm đoạt giải những năm trước, nhóm đã "choáng" vì thấy khó thực hiện quá. "Môi trường, điều kiện và văn hóa giao thông của Việt Nam và Đài Loan hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, chúng em chỉ được học về giao thông chứ không được đào tạo về quy hoạch nên việc cho ra được ý tưởng giải pháp tái phát triển khu vực nhà ga Keelung sao cho vừa phù hợp với điều kiện, văn hóa nước sở tại, vừa phải hướng tới tương lai là rất khó", đội trưởng nhóm UTC-DIAN nói.

3 tháng miệt mài tìm hiểu về địa danh được ra trong đề, cuối cùng nhóm Tuấn Anh đưa ra giải pháp xây dựng trục Keelung mới. Mục đích là tạo ra khu vực nhà ga tương lai mang đậm tính truyền thống, được kết hợp với các giải pháp giao thông thông minh, công nghệ thân thiện với môi trường.

"Trục và hành lang giao thông Keelung mới có tính kết nối cao khi đi ra và vào khu vực. Nhà ga trung tâm như cửa ngõ, điểm trung chuyển chính với nhiều loại hình giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, là biện pháp quan trọng nhất trong quy hoach giao thông và tái phát triển khu vực nhà ga Keelung tương lai. Nó dựa theo nguyên lý đầu mối giao thông TOD (transit oriented development) giải quyết nhu cầu lớn về giao thông và ưu tiên giao thông công cộng. Nhà ga dạng vòm mang biểu tượng cánh hoa bằng lăng - loài hoa đặc trưng của vùng này, có ý nghĩa văn hóa và kiến trúc cao. Đặc trưng nhà ga 3 tầng: tàu điện ngầm, sảnh hành khách, tàu điện một ray Monorail trên cao", Tuấn Anh diễn giải.

Nhóm sinh viên Việt Nam còn nghĩ ra giải pháp cân đối loại hình giao thông khu vực nhà ga bằng việc thêm vào làn đi bộ và xe đạp; tạo thêm nhà sinh thái, phố cây xanh, công viên… phục vụ mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường. Các xung đột giao thông, tác động của triều cường, nước biển dâng, hỏa hoạn trong hầm, động đất… cũng được tính toán để đưa ra phương hướng xử lý.

Vượt qua vòng loại và vòng bình chọn với 79 đội thi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, nhóm UTC-DIAN và một đội sinh viên khác cũng đến từ Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, lọt vào chung kết gồm 11 đội xuất sắc.

Được đài thọ sang Nhật Bản 6 ngày để thi thuyết trình trước 5 thành viên ban giám khảo là các giáo sư về giao thông đến từ Đại học ToKyo, Harvard (Mỹ), Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Quốc gia Singapore, đội của Tuấn Anh đạt giải Smart Kinetics Award (tương đương giải Ba). Nhóm thi còn lại của Việt Nam cũng nằm trong số 5 đội được giải này. Ngoài tiền thưởng, các sinh viên được tham dự hội nghị quốc tế về Thiết kế mới trong giao thông, du lịch Tokyo, núi Phú Sĩ...

"Chúng em rất mong muốn được ứng dụng các giải pháp trong phát triển đô thị lớn ở Việt Nam, đơn cử như giải quyết vấn đề triều cường ảnh hưởng đến giao thông ở TP HCM hay tắc đường ở các đô thị lớn như Hà Nội", đội trưởng Hà Tuấn Anh tâm sự

Theo Vnexpress

TIN LIÊN QUAN