(Baonghean) - Vì không có tiền nộp học phí, nhiều sinh viên đã phải bỏ giấc mơ giảng đường vì lo không kham đủ kinh phí cho 4 năm học.
Từ ngày cậu con trai cả đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), gia đình chị Trần Thị Dung ở xã Đặng Sơn, Đô Lương phải thực sự thực hiện chiến lược “chắt bóp” chi tiêu.
Hà Nội đắt đỏ, một phòng trọ chưa đến 10m2 tiền thuê khoảng 1.500.000 đồng/tháng rồi tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học phí nên dù có tiết kiệm đến mấy 1 tháng chị cũng phải gửi ra cho con khoảng 3.500.000 đồng. Đó là khoản tiền quá lớn đối với một gia đình làm nông.
Để lo cho con ăn học, vợ chồng chị đã phải làm đơn vay tiền chính sách. Tiền cũ chưa trả nợ xong, nay khi nghe tin học phí tiếp tục tăng, chị hết sức lo lắng và chưa biết xoay xở thế nào với 2 năm học còn lại của con, chưa nói có thể học phí tăng thì những thứ khác trong trường cũng có thể rục rịch tăng theo.
Về các xã nông thôn, miền núi mới thấy, hầu như nhà nào có con theo học các trường đại học, cao đẳng cũng đều làm đơn vay vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên, và theo tính toán của Ngân hàng chính sách, mỗi năm cần gần 600 tỷ đồng để giải ngân, giúp các hộ nghèo có con theo học vay. Theo nhẩm tính, một sinh viên theo học đại học, ít nhất gia đình phải chu cấp từ 30 – 35 triệu đồng/năm. Nếu học phí tăng thêm sẽ đội lên một khoản lớn.
Như gia đình ông Trần Văn Giáp ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, mặc dù năm học 2015 – 2016 này, con trai nhập học ở khoa cao đẳng, Trường Đại học Kỹ thuật Vinh, nhưng các khoản đóng góp đầu năm đã lên đến gần 4 triệu đồng, trong đó chiếm hơn 2/3 là học phí cho học kỳ 1. Vì không có tiền nộp học phí, nhiều sinh viên đã phải bỏ giấc mơ giảng đường vì lo không kham đủ kinh phí cho 4 năm học.
Đầu năm học này, tìm hiểu tại Trường Đại học Vinh, nhà trường cho biết có nhiều em đã nộp hồ sơ trúng tuyển, nhưng đành phải bỏ học và chuyển sang làm nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó, nếu vay tiền ngân hàng, cũng chưa hẳn ra trường sẽ trả được ngay vì kiếm việc làm đang ngày một khó.
Mức tăng học phí mới vừa được Chính phủ công bố ngày 2/10/2015. Theo đó, việc tăng học phí sẽ tăng dần và chia theo nhóm ngành nghề. Ở các trường đại học công lập đại trà (không tự chủ tài chính), mức tăng sẽ từ 10% mỗi năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015, và dự kiến sẽ từ 605.000 đồng - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Đối với các trường đại học tự chủ tài chính, học phí đối với một số nhóm ngành nghề sẽ tăng mạnh.
Theo đó, mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm. Với quy định mới này, mức tăng học phí nhóm ngành kinh tế cao gấp 3 lần, nhóm ngành y dược tăng gấp 5 lần so với hiện nay. Việc tăng học phí là nằm trong lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động và giao dần việc tự chủ toàn diện đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi ngân sách Nhà nước.
Trên thực tế, tìm hiểu một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh những năm qua, học phí đều tăng theo từng năm. Cụ thể, đối với các trường đại học, cao đẳng do UBND tỉnh quản lý việc thu phí đã được áp dụng theo Quyết định số 59/2012/QĐ - UBND ngày 20/8/2012.
Trong đó, mức học phí với các ngành khoa học xã hội tăng dần từ 365.000 đồng/tháng (2012 - 2013) lên 430.000 đồng/tháng (năm 2013 - 2014) và 480.000 đồng/tháng (2014 – 2015); mức học phí của ngành khoa học tự nhiên tăng từ 420.000 đồng lên 570.000 đồng/tháng. Riêng ngành y dược, học phí của năm 2012 - 2013 là 500.000 đồng/tháng thì đến năm 2014 - 2015 đã tăng lên 700.000 đồng/tháng.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cho biết: So với các trường đại học, ngành y dược là ngành có mức học phí cao nhất. Vì vậy, trong điều kiện nhiều gia đình hiện nay, việc tăng học phí có thể sẽ gây khó khăn cho một số phụ huynh, sinh viên. Tuy nhiên, nếu không tăng học phí, các nhà trường sẽ gặp khó khăn trong hoạt động và cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên.
Như hiện tại ở trường chúng tôi, thời gian sinh viên thực tập ở các bệnh viện chiếm đến 60%, thế nên tốn rất nhiều chi phí vật tư tiêu hao, trang thiết bị máy móc. Nếu không có sự hỗ trợ từ bệnh viện thì chắc chắn mức học phí mà các em chi trả thời gian qua là không đủ. Bên cạnh đó, mức học phí của nhà trường hiện nay thu theo quy định của tỉnh, nên so với mặt bằng chung của cả nước có thấp hơn. Thế nên, trong quá trình dạy và học nhà trường cũng phải chi tiêu tiết kiệm.
Đơn cử, cùng một môn giải phẫu, lớp sinh viên của Trường Đại học Y Hải Phòng ra Vinh học tập đã tiến hành giải phẫu đến 42 con vật. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, sinh viên của Trường Đại học Y khoa Vinh chỉ dám sử dụng chưa đến một nửa.
Trường Đại học Vinh tuy không thu học phí theo tháng, nhưng từ năm học 2015 – 2016, mức phí cho một tín chỉ đã tăng lên khoảng 10%. Cụ thể, nếu như những năm trước nhà trường thu 180.000 đồng/tín chỉ thì nay đã tăng lên 200.000 đồng/tín chỉ. Trung bình học sinh mỗi năm học từ 30 - 35 tín chỉ, thì mức học phí phải nộp trong 1 năm khoảng từ 6 - 7 triệu đồng.
Thầy giáo Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh: Mức học phí hiện nay của nhà trường nằm trong mức trung bình theo quy định chung của Chính phủ. Nhà trường cũng đã tính toán để cố gắng dù có tăng nhưng không tăng cao quá, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Sau khi tăng, nhà trường cũng sẽ có điều kiện hơn để đầu tư vào trang thiết bị dạy và học, các công trình nghiên cứu khoa học cũng như học bổng cho sinh viên sẽ tăng dần.
Cũng theo lộ trình đã đề ra, bắt đầu từ 1/12/2015 mức học phí mới sẽ được áp dụng ở tất cả các bậc học. Tại tỉnh ta, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã khảo sát và lấy ý kiến ở các trường để thời gian tới xây dựng phương án học phí mới từ bậc mầm non đến bậc đại học trước khi đem ra trình HĐND tỉnh.
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc tăng học phí phải được căn cứ theo các quy định của Nhà nước, căn cứ vào các văn bản của Bộ. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương và nhu cầu về phát triển giáo dục…
Tuy nhiên, trong quá triển khai Nhà nước nên có cơ chế, chính sách như tăng mức cho sinh viên nghèo vay vốn để trang trải tiền học phí. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho những trường đại học nằm ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn thu về học phí chưa đủ để thu chi. Đồng thời, có những chính sách ưu tiên riêng dành cho những sinh viên thuộc diện hộ nghèo, sinh viên là người dân tộc thiểu số ít người hoặc con em gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Xây dựng các quỹ hỗ trợ để giúp đỡ những sinh viên hiếu học, có thành tích học tập tốt.
Mỹ Hà