(Baonghean) - Những dãy núi bạt ngàn xoan, đàn trâu, bò thong dong gặm cỏ dưới cái nắng phớt nhẹ của mùa thu. Bên chân núi Phia Phồng trải dài những cung ruộng bậc thang hút mắt. Bản rẻo cao Lưu Phong đang từng ngày khởi sắc.

Mất gần 1 giờ đồng hồ với khoảng 30 km để đi từ thị trấn Hòa Bình, chúng tôi đặt chân tới bản nhỏ Lưu Phong (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương). Lưu Phong nằm cong cong đổ bóng xuống khe Nậm Càn.

Dòng nước này đã bao đời gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Phía bên kia dòng suối là bạt ngàn cọ. Những người già sống trong bản chẳng ai nhớ nổi rừng cọ ấy có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy cọ lút mắt người. Ngước đầu lên là dãy Phù Xai Lai Leng hùng vĩ đứng sừng sững như chạm đến trời xanh.

images1716684_bna_58034491a6d97.jpgQuang cảnh bản Lưu Phong.

Trưởng bản Lương Văn Thắng tuổi đã ngoại ngũ tuần niềm nở đón chúng tôi. Ông bảo rằng đã làm cái chức “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này hơn 10 năm rồi. Đã bao nhiêu lần xin nghỉ vì tuổi cao, nhưng nghĩ đến bản làng và sự tín nhiệm của bà con nên vẫn dốc sức để làm. Cả bản có 199 hộ với 850 nhân khẩu, thì đã có 139 hộ nghèo. Tuy nhiên những năm gần đây, bản làng đã phát triển rõ nét. 

Chúng tôi theo chân Trưởng bản Thắng ngược đỉnh Phia Phồng để thăm trang trại ông Lữ Khắc Tấn, hộ làm kinh tế trang trại điển hình trên vùng đất nghèo khó này. Trang trại ông Tấn nằm cách trung tâm bản chừng 2 km. Vượt qua những cung ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, Trưởng bản Lương Văn Thắng cho biết: “Lưu Phong là bản có diện tích trồng lúa nước lớn của xã Lưu Kiền với hơn 50 ha. Những cây lúa nước đã làm đổi đời dân bản, hàng trăm hộ không lo thiếu cái ăn cái mặc nữa”.

Tiếp chúng tôi trong lán nhỏ trên đỉnh Phia Phồng, ông Lữ Khắc Tấn nom còn tráng kiện so với cái tuổi 65 của mình. Ông mở lòng cho biết, quê gốc ở Yên Hòa (Tương Dương), từng đi bộ đội chiến đấu trên nhiều chiến trường gần 10 năm trời. Ấy vậy, khi trở về quê hương cái nghèo luôn rình rập, bủa vây gia đình khi chỉ dựa vào mấy sào lúa rẫy. Sau khi chuyển nhà về Lưu Phong, nhận thấy vùng núi Phia Phồng đất thoải có thể làm trang trại, nên ông đăng ký khai hoang.

Những năm đầu vất vả không thể nào nói hết được. Vùng núi Phia Phồng hoang vu rậm rạp chỉ toàn cỏ gai lắm lúc khiến vợ chồng ông phát nản. Thế nhưng, nhìn những cây xoan dần dần lớn lên, đàn trâu, bò sinh sôi nảy nở, ông càng quyết tâm làm thay đổi mảnh đất nghèo khó này.

Rừng xoan của ông Lữ Khắc Tấn.

Những đồi xoan bạt ngàn trải dài, cây nào cây ấy được ông cắt tỉa thẳng tắp. Giữa rừng xoan, đàn trâu thong dong gặm cỏ. Chỉ bằng vài tiếng  gọi là bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Tấn đã gọi được hàng chục con trâu, bò trở về chuồng để ăn muối. Đây là giống trâu, bò bản địa được ông Tấn chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt. Năm ngoái ông đã bán đi 4 con trâu, 7 con bò thu về gần 200 triệu đồng. 

Có tiền trong tay, vợ chồng ông bàn với nhau nuôi thêm dê để có thêm thu nhập. Anh Lô Minh Phương, con rể ông Tấn đang quản lý 1 cửa hàng xăng dầu, thấy bố mẹ vợ quyết tâm như vậy cũng bỏ cả cơ ngơi tậu được sau bao năm vất vả vào đây chung sức. Hàng ngày anh lùa đàn dê lên núi rồi tối lại lùa về. Anh bảo rằng: “Từ ngày về đây tôi thấy thoải mái hơn hẳn. Cứ cái đà này, sang năm đàn dê sẽ cho thu nhập cao thôi”.

Phía trên trang trại của ông Tấn là trang trại gia đình anh Kha Văn Thắng. Anh Thắng vào Phia Phồng lập trang trang trại từ năm 2009, chủ yếu nuôi gà, ngan. Ngồi trong lán trại chơi đùa với con, anh bảo: “Mấy năm trước tôi nuôi nhiều gà nhưng bị dịch chết hết. Nghĩ rằng mảnh đất Phia Phồng này không phụ lòng mình nên phải quyết tâm làm lại. Đến giờ, đàn gà nhà tôi đã phát triển rất tốt và cho thu nhập rồi”...

Đêm buông xuống, đại ngàn Phia Phồng chìm trong bóng tối. Cái lạnh của vùng cao thấm vào da thịt. Phía dưới, con suối Nậm Càn vẫn ào ào chảy qua những tảng đá tai mèo sắc nhọn. Dưới ngọn đèn điện chập chờn thoắt sáng, thoắt tối, bàn tay chai sạn cầm chén rượu tỏa mùi bếp lửa, lão nông Lữ Khắc Tấn bảo rằng, cái đèn điện dùng bằng tua bin nước này chẳng bao giờ ổn định cả. Có khi phải mất cả buổi ngâm mình dưới suối để sửa lại mà cứ được vài ngày lại dở chứng. Khổ nhất là khi mùa mưa lũ về, đất đá sạt xuống làm hỏng cả đường nước. Cái chân đã già không còn sức để leo lên leo xuống nhiều nữa nên vất vả lắm.

Xen vào câu chuyện, trưởng bản Lương Văn Thắng nói rằng, ngày trước Lưu Phong là bản có nhiều quýt nhất vùng phủ Tương này. Quýt Lưu Phong nổi tiếng ngon ngọt được nhiều người biết đến, ấy vậy mà không hiểu vì sao những năm gần đây bị chết hết. Nhiều người cố gắng trồng và chăm sóc mong giữ lại cây quýt, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Nếu loại cây này được nhân rộng chắc sẽ trở thành hàng hóa giúp dân bản thoát nghèo. Tôi đã có lần được thưởng thức thứ quýt của Lưu Phong, nhỏ nhưng ngọt đến tận đầu lưỡi. Một sự tiếc nuối hằn lên trên gương mặt lão trưởng bản hàng chục năm gắn bó với Lưu Phong. 

Ông Lữ Khắc Tấn chăm sóc đàn trâu của gia đình.

“Bản đang phát triển thật đấy nhưng khó khăn cũng thuộc diện nhất nhì xã” - ông Thắng ngậm ngùi. Đã bao nhiêu lần đến từng hộ gia đình vận động bà con ổn định cuộc sống, gắn bó với rừng núi để phát triển kinh tế, ấy vậy mà...” - Ông Lương Văn Thắng ngập ngừng, đoạn nói tiếp - “Đầu năm 2016, có đến 100 người tìm cách vượt biên sang Trung Quốc. Không biết có nên cơm cháo gì không, nhưng giữa năm đã thấy lục tục kéo nhau về vì khổ không chịu được. Tiền thì mất cho người môi giới, làm không đủ sống, vất vả thế mà ai cũng đòi đi. Chẳng đâu bằng mảnh đất quê mình. Đoàn kết bảo ban nhau mà làm ăn sợ gì đói”.

Đào Thọ


TIN LIÊN QUAN