(Baonghean) - Hàng nghìn phụ nữ đang có cuộc sống gắn với những chuyến tàu cập cảng Lạch Cờn. Những chuyến tàu vươn khơi về, người thân thì ngóng mong chồng, con, còn những người phụ nữ này chỉ mong cá đầy khoang để có việc làm.
Gần 2h sáng, con tàu hơn 400 CV của ngư dân Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), lầm lũi cập vào cảng cá Lạch Cờn sau hơn 10 ngày vươn khơi. Tiếng động cơ của tàu khiến không gian tĩnh mịch ở một góc cảng trở nên náo nhiệt.
Lúc này, phía trên bến cảng, hàng chục người, phần lớn là phụ nữ hướng ánh mắt về phía con tàu, háo hức chờ đợi. Trong số họ, ngoài những người vợ có chồng là thuyền viên còn là đội ngũ bốc cá thuê.
“Có khi họ trông mong tàu về còn hơn chúng tôi đợi chồng. Nếu tàu đánh bắt được nhiều cá thì họ có nhiều tiền” - chị Nguyễn Thị Hà, vợ của một thuyền viên trẻ cười nói.
Ở cảng cá Lạch Cờn này, mỗi ngày có đến hàng trăm tàu cá ra vào. Cảng là chỗ neo đậu cũng là nơi thu mua hải sản cho khoảng 900 tàu cá của ngư dân 2 phường Quỳnh Phương và Quỳnh Lập. Khi những chiếc tàu sắp về đến cảng, bắt được sóng điện thoại, thuyền trưởng sẽ gọi điện thông báo cho chủ thu mua.
Kết thúc một hành trình đi biển mệt nhọc, khi về đến đất liền, các thuyền viên chỉ việc nghỉ ngơi. Mọi công việc còn lại được chủ tàu và các thương lái thuê những người trên bờ làm. Lúc này, chủ thu mua sẽ gọi điện cho đội ngũ bốc cá thuê để nói rõ địa điểm và thời gian tàu cập cảng.
Dỡ cá từ trong khoang ra sau đó vận chuyển lên bến là công đoạn đầu tiên sau khi tàu cập cảng. Đây cũng là công việc nặng nhọc nhất nên chỉ dành cho những người đàn ông. Khoảng 3 người thay phiên nhau hì hục vác từng khay cá nặng trĩu ra khỏi khoang.
Ở làng chài Quỳnh Phương này, đàn ông làm việc trên bờ vốn rất ít ỏi. Cá lên đến bờ, lúc này công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận.
“Thông thường một tàu đánh bắt xa bờ về thì có khoảng 10 phụ nữ có nhiệm vụ xếp cá, đưa lên cân rồi bốc lên xe hàng. Công việc này được trả công theo sản phẩm, mỗi tấn cá được vài trăm nghìn đồng. Mỗi thùng cá cũng nặng hàng chục cân, rất mệt nhưng đàn ông ở đây đi biển hết, chỉ thuê được phụ nữ” - chị Phạm Thị Hương (42 tuổi), một chủ thu mua cá ở cảng Lạch Cờn nói.
Đang ru đứa con trai út chưa đầy 2 tuổi, nửa đêm nghe điện thoại từ chủ thu mua, chị Nguyễn Thị Loan (31 tuổi), tất bật phóng xe máy ra bến cảng. “Nếu mình không ra nhanh thì mất suất, họ sẽ thuê người khác. Cũng may nhà ông bà ngay bên cạnh nên trông cháu giùm” - chị Hà nói.
Gia cảnh khó khăn, học đến lớp 8, chị Hà bỏ dở để ra cảng cá mưu sinh cùng mẹ. Vài năm sau, chị bén duyên với một thanh niên cùng làng, cũng làm nghề chài lưới. Đến nay, hai vợ chồng đã có đến 4 người con. Lấy chồng đi biển, mọi công việc trong nhà dường như đổ lên đôi vai chị.
“Mỗi tháng chồng chỉ ở nhà khoảng 5 ngày rồi lại đi biền biệt. Nhà đông con, tiền chồng đi biển kiếm được không đủ trang trải. Tôi đành phải gửi cháu cho ông bà ra cảng cá kiếm thêm thu nhập”, chị Hà cho biết thêm. Nếu may mắn được nhiều tàu thuê bốc cá, có hôm chị Hà kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày.
Tàu cá cập vào cảng Lạch Cờn không theo một quy luật giờ giấc. Có khi hàng chục tàu cùng nối đuôi nhau vào nhập hải sản, nhưng cũng có khi vài tiếng liền không một chiếc tàu nào.
“Nhiều lần đang ăn cơm thì chủ thu mua gọi điện tới, sợ muộn mất lại phải để chén cơm xuống tức tốc chạy ra cảng. Cũng may nhà gần. Nhưng có lúc ngồi chờ ở cảng cá suốt cả tiếng mà chẳng thấy tàu nào vào thuê bốc cá” - Hoàng Thị Lan (21 tuổi) nói.
Lan là người trẻ nhất trong những phụ nữ làm nghề bốc cá thuê ở đây. Trước khi lấy chồng, Lan nổi tiếng xinh đẹp trong vùng. Thấy tôi chen lấn để chụp ảnh, Lan vội khua tay, mặt đỏ bừng. “Làm nghề này cực lắm, có gì hay ho đâu mà chụp. Suốt ngày tanh rình mùi cá”, Lan nói.
Để thuyết phục tôi, Lan giơ hai cánh tay lên cao, để lộ những mảng vảy cá dính kín trên áo sau mỗi lần bốc hàng lên xe.
Lấy chồng từ năm 17 tuổi, đến nay Lan đã kịp có 2 đứa con. Chỉ sau ngày cưới được 3 hôm thì chồng lên tàu ra biển đánh cá. Từ đó đến nay, cũng như phần lớn phụ nữ làng chài này, Lan phải một mình gồng gánh nuôi dạy con cái.
“Làm nghề này nếu không đau ốm, siêng năng có mặt ở cảng cũng có tháng kiếm được gần 7 triệu đồng. Tuy nhiên, làm được nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào tàu cá có đánh bắt được bao nhiêu” - Lan chia sẻ. Mỗi tàu cá xa bờ, đánh bắt hơn 10 ngày về thường được khoảng 8 tấn cá. Đưa lên bờ, nhóm phụ nữ này mất khoảng 2 tiếng mới phân loại xong để đưa lên cân, sau đó bốc lên xe.
Lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, Lan kể, vất vả nhất là những ngày mưa, nước chảy lênh láng khắp bến cảng. Bốc thùng cá nặng gần nửa tạ lên xe tải, nhiều người không cẩn thận vấp ngã, bị thương nằm viện cả tháng.
“Làm nghề này bị ngã bầm tím chân tay là chuyện bình thường. Thùng cá có đá bên trong nên sau mỗi lần làm việc, chân tay cũng tê buốt vì lạnh. Nếu may mắn được họ thuê, lại có sức khỏe thì có ngày bốc được khoảng 5 tàu. Còn như em thì chỉ đủ sức bốc được 3 tàu thôi” - Lan cho hay.
Ở cảng cá này, có hàng trăm phụ nữ làm công việc như Lan và chị Hà. Có những người năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn quần quật mưu sinh. Trong đó, bà Nguyễn Thi Hạnh (54 tuổi), vẫn thường được các chị em khác nhường việc bởi gia cảnh khó khăn.
Hơn 10 năm trước, sau một lần đi biển, chồng bà Hạnh phát bệnh, không may qua đời. Từ đó, một mình bà tần tảo nuôi 5 con ăn học. Không lâu sau đám tang chồng, cậu con trai lớn vừa tròn 20 tuổi cũng mất vì tai nạn.
Nợ nần chồng chất, bà Hạnh suốt ngày phải lăn lộn ở cảng cá làm thuê. Ai thuê gì bà làm nấy, miễn là có tiền. Bởi vậy, mỗi lần chia tiền công, bà cũng thường được đồng nghiệp dành cho phần nhiều. Những lúc vắng tàu, bà lại chạy đôn chạy đáo thu mua các loại cá tạp để sáng sớm mang ra chợ bán lại, kiếm thêm một ít tiền lãi.
“Nhiều lần cũng muốn nghỉ vì sức khỏe cũng đã yếu nhưng “hết mưa thì hết nước giọt”. Không làm nữa chẳng biết lấy đâu ra tiền trang trải, con cái thì vẫn đang phải học hành. Tôi đành phải cố ra đây mưu sinh” - bà Hạnh nói.
Ông Hồ Xuân Hường - quyền Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho hay, hiện nay phường có gần 600 tàu cá các loại. Ngoài phần lớn đàn ông ở địa phương đã lên tàu đi biển, nghề cá còn mang lại việc làm cho hàng nghìn người trên bờ.
“Bây giờ có đến hàng nghìn người phụ nữ phụ thuộc vào cảng cá này. Người thì bốc cá thuê, người thì chờ tàu về để thu mua cá nhỏ lẻ, có người thì lại ra đó vá lưới thuê rồi gỡ ghẹ, cá…. Họ đều có thu nhập tốt”, ông Hường nói.
Tiến Hùng