Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác Thủ tướng về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chiều 16/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương tiến hành các công việc để thành lập ủy ban trong quý I/2018.
“Trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này”, Phó thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hóa, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, không để xảy ra tình huống ủy ban mới được thành lập tiếp quản các doanh nghiệp mà các Bộ “buông tay” luôn sẽ dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hóa, bán vốn.
"Vẫn còn đó các dự án yếu kém ngành Công Thương hay các ngành khác thì chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về trách nhiệm của các ngành này vẫn còn nguyên giá trị”, Phó thủ tướng lưu ý.
Trên cơ sở này, ông đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì trình dự thảo Nghị quyết thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ trong tháng 2/2018.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các Nghị định khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về Ủy ban).
Tại buổi họp, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh sự ra đời của cơ quan này trong giai đoạn này. Ông đề nghị ngay sau khi ủy ban tiếp nhận bàn giao các doanh nghiệp Nhà nước từ phía các Bộ, ngành thì Tổ công tác sẽ giải tán để bảo đảm hoạt động của ủy ban trong thời gian tiếp theo.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Chủ tịch ủy ban này.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và sẽ kết thúc nhiệm vụ khi bộ máy ủy ban hoàn thiện.
Theo dự thảo trước đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có quy mô tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có các “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).