Thông tin không chính thức về việc Nga triển khai siêu tiêm kích Su-57 tại Syria được đăng tải trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia quân sự thế giới.
Dù Điện Kremlin lẫn Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin này, song các chuyên gia quân sự đưa ra nhận định về nhiệm vụ mà siêu tiêm kích Su-57 có thể sẽ đảm nhận nếu được triển khai ở Syria.
Andrei Frolov, Tổng biên tập một nhà xuất bản quân sự tại Nga nói với RBC, việc Su-57 được triển khai tại Syria là cách thức quảng cáo hiệu quả siêu tiêm kích này, đặc biệt đối với thị trường Ấn Độ thông qua ảnh hưởng của chương trình hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 5 giữa Nga và Ấn Độ (FGFA) với sự tham gia của Sukhoi và HAL.
Ông Frolov nhận định, “Lockheed Martin đang có mặt trên thị trường Ấn Độ, thêm nữa đề án FGFA của Ấn Độ đang gặp khó khăn. Việc công bố Su-57 vào năm 2017 và việc triển khai tại Syria lúc này nhằm mục tiêu thuyết phục Ấn Độ rằng FGFA là dự án có thật, trong đó mẫu thử nghiệm không chỉ bay được mà hoàn toàn đủ khả năng tham chiến”.
Về phần mình, trung tướng Không quân Nga Nikolai Antoshkin, chỉ huy và chuyên gia huấn luyện chiến đấu, giải thích rằng dù phi đội Su-57 đầu tiên sẽ được sớm được triển khai tại Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu Lipetsk, tiêm kích, cũng như các loại vũ khí khác, được thử nghiệm chủ yếu trong chiến đấu. Do đó, việc gửi Su-57 đến Syria là giải pháp thường tình.
Trung tướng Antoshkin nhấn mạnh, Su-57 là công cụ tuyệt vời và hữu ích trong trường hợp có bất cứ vụ khiêu khích nào nhằm vào quân đội Nga tại Syra. Bên cạnh đó, trung tướng Antoshkin cũng đưa ra nhận định về tin đồn xung quanh việc Không quân Mỹ triển khai tiêm kích F-22 Raptor tới Syria vì sự có mặt của Không quân Nga tại đây.
Trung tướng Antoshkin nhận định, Su-57 của Nga có khả năng cơ động cao hơn F-22 của Mỹ nhờ vào hệ thống động cơ vector đẩy 3D, hệ thống động cơ này cho phép Su-57 có thể dễ dàng đạt tốc độ Mach 2.
“Với hệ thống radar tích hợp Belka, Su-57 có thể phát hiện chiến cơ tàng hình và theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc. Thêm nữa, mô-đun tác chiến điện tử tuyệt vời của chiến cơ này giúp ngăn chặn tên lửa tự dẫn của đối phương”, trung tướng Antoshkin giải thích.
Xét về hệ thống vũ khí, Su-57 có 2 ngăn vũ khí bên trong được bố trí dọc theo chiều dài của tiêm kích này, mỗi khoang vũ khí có thể mang theo 4 tên lửa không-đối-không K-77M với tầm bắn gần 200 km và là đối thủ xứng tầm với Tên lửa Không-đối-không Tầm trung Tiên tiến AIM-120 của Mỹ.
Việc triển khai chỉ 2 chiếc siêu tiêm kích Su-57 tại Syria sẽ không đủ để mang lại cho Nga lợi thế quân sự trên chiến trường Syria, trung tướng Antoshkin nhận định, nhưng điều này đủ để các đối thủ tiềm tàng của quân đội Nga phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng về chuyện đụng độ với người Nga trên chiến trường Syria.
Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cùng nhận định việc Nga triển khai siêu tiêm kích Su-57 tại Syria, nếu có, nhằm mục tiêu quảng cáo vũ khí và thu thập các thông tin tình báo có giá trị về sức mạnh của lực lượng Không quân Mỹ trong khu vực.
Tạp chí Popular Mechanics đưa ra nhận định, việc triển khai siêu tiêm kích Su-57 tại Syria sẽ mang lại cho quân đội Nga cơ hội để “nghiên cứu rất nhiều về việc động cơ phản lực hoạt động thế nào trong điều kiện ít lý tưởng, cảm biến bắt mục tiêu trên bầu trời và dưới mặt đất tốt ra sao, việc duy trì hoạt động của chiến cơ này ở nơi cách xa nước Nga hàng ngàn km khó khăn đến độ nào”.
Tuy nhiên, tạp chí này nhận định rằng tiêm kích Su-57 của Nga có thể sẽ phải đối mặt với tiêm kích F-22 của Mỹ trong khu vực không phận do Mỹ kiểm soát, cũng như bị đe dọa bởi các cuộc tấn công do phiến quân thực hiện nhắm vào Căn cứ Không quân Hmeymim của Nga tại Syria.
Còn biên tập viên Dave Majumdar của National Interest, trong cuộc trao đổi với chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện và Quốc tế, có trụ sở tại Matxcơva đưa ra nhận định việc triển khai Su-57 tại Syria nhằm mục đích thử nghiệm chiến đấu thực sự, điều này sẽ giúp ích cho công tác chuẩn bị cho việc đưa Su-57 vào sản xuất hàng loạt.
Việc triển khai Su-57 tại Syra sẽ giúp quân đội Nga thu được những kinh nghiệm và dữ liệu quý báu về hoạt động tác chiến của Su-57 trong điều kiện thực chiến, bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động và hệ thống tình báo điện tử. Thậm chí sẽ có thể có một số nhiệm vụ chiến đấu giới hạn được Su-57 thực hiện, biên tập viên Majumdar viết./.