Cái tên Mario Monti, Thủ tướng tạm quyền của Ý, đã trở thành tâm điểm chú ý của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sau khi được trao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới để chèo lái nước Ý đang trên bờ vực phá sản.
Reuters ngày 14-11 đưa tin nhà lãnh đạo mới đã bắt tay vào việc thành lập nội các khẩn cấp sau khi nhận được sự ủy thác từ Tổng thống Napolitano tối 13-11. “Ý phải trở lại là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh chứ không phải là điểm yếu của Liên minh châu Âu (EU)” - ông Monti khẳng định.
Theo ông, Rome cần củng cố tình hình tài chính và thúc đẩy tăng trưởng để thoát khỏi khủng hoảng. Nội các mới dự kiến ra mắt trong tuần này.
Tân Thủ tướng Ý Mario Monti phát biểu tại Rome ngày 13-11 - Ảnh: Reuters
Thử thách đầu tiên cho ông Monti là buổi đấu giá 3 tỉ euro trái phiếu kỳ hạn năm năm diễn ra ngày 14-11. Trong phiên đấu giá tuần trước, sự hoài nghi của giới đầu tư đã khiến lãi suất vay nhảy qua ngưỡng 7% và tiếp tục tăng vượt khả năng chi trả của chính phủ. Ông Monti dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 16-11.
Tổng thống Napolitano giải thích Ý không thể tổ chức bầu cử trong bối cảnh 200 tỉ euro nợ đang chuẩn bị đáo hạn vào tháng 4-2012. Ông cho biết thời gian cầm quyền của chính phủ mới sẽ phụ thuộc vào các biện pháp được đưa ra cũng như phản ứng của thị trường và các tổ chức châu Âu. Tuy nhiên tổng tuyển cử sẽ diễn ra đầu năm 2013.
Thị trường đang chờ đợi liệu ngài “siêu Mario”, biệt danh của ông Monti - một nhà kỹ trị và có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực tài chính quốc tế, có thể vực nước Ý khỏi vũng lầy khủng hoảng hay không.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso và Chủ tịch EU Herman Van Rompuy hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Monti. Tuy nhiên theo báo Financial Times, Đảng Tự do nhân dân của cựu thủ tướng Berlusconi vẫn là lực lượng chủ chốt tại quốc hội và công khai tuyên bố sẽ hạn chế quyền hạn của ông Monti trong các cải cách.
Thủ tướng mới sẽ gánh vác nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy việc thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt hơn nữa. Ông Monti cho biết sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm và cống hiến hết mình. “Nếu ông ấy thất bại, mọi thứ sẽ còn tệ hơn trước - chuyên gia Mỹ Moisés Naím cảnh báo - Người Ý đã đánh mất sự rộng lượng sau khi ông Berlusconi ra đi và bây giờ không còn chỗ cho lời bào chữa nào nữa”.