(Baonghean) - Giá rẻ, tốc độ tương đối nhanh và không khói bụi, không cần giấy phép lái xe nên xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được người dân lựa chọn, trong đó chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Việc siết chặt quản lý loại phương tiện này ngày càng cấp thiết, nhất là khi đã có không ít vi phạm trật tự ATGT do người điều khiển phương tiện này gây ra.

images1897123_5d.jpgHọc sinh trường THPT Nam Đàn I dàn hàng ngang và chở quá số người quy định khi tham gia giao thông (ảnh lớn). Ảnh: Cảnh Nam

Vài năm lại đây, thị trường xe điện ở Nghệ An diễn ra khá sôi động. Trao đổi với một số chủ cửa hàng bán xe điện trên tuyến phố Quang Trung (thành phố Vinh), được biết, dù thị trường đã gần tiến tới “bão hòa” nhưng mỗi ngày một cửa hàng cũng bán được khoảng 5 - 7 chiếc. So với nhiều loại phương tiện khác, xe điện “hút” khách hơn bởi giá thành hợp lý, chỉ khoảng từ 3 triệu đồng đến dưới 13 triệu đồng là đã có thể sở hữu một chiếc xe. Một lý do khác tác động đến sức mua của người dân, đó là đối với xe đạp điện thì không cần phải đăng ký, và xe máy điện thì dù phải đăng ký nhưng lại không cần giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, loại phương tiện này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn giao thông trên đường phố. Dù Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông vẫn phải đội mũ bảo hiểm nhưng trên thực tế, số người điều khiển các phương tiện này chấp hành nghiêm quy định không nhiều. Hàng ngày, trên đường phố thành phố Vinh và các thị xã, thị trấn, không khó để bắt gặp các học sinh, sinh viên đi xe máy điện, xe đạp điện  không đội mũ bảo hiểm, hoặc nếu có thì cũng chỉ là mũ bảo hiểm thời trang, kém chất lượng. Ngoài ra là hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ...

Bên cạnh đó,  theo quy định, vận tốc tối đa của xe đạp điện là 25 km/h, nhưng thực tế các loại xe đạp điện được bán trên thị trường có vận tốc tối đa có thể lên tới 40 km/h - ngang với vận tốc của xe máy đi trong nội thị. Nhiều vụ TNGT đã xảy ra mà nguyên nhân chính đến từ vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

Đơn cử như ngày 6/3, tại đoạn đường trước cổng Trường Cao đẳng GTVT miền Trung xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và xe máy điện. Theo đó, trong lúc cố vượt qua đường sắt, người thanh niên điều khiển xe đạp điện bị tàu hỏa đâm phải. Mới đây nhất, vào ngày 15/4, trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn khối 6, phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) xảy ra một vụ tai nạn giữa xe ô tô và xe đạp điện. Hậu quả, nạn nhân Hồ Thị Thủy (60 tuổi, trú tại khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện) tử vong tại chỗ...

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy điện xảy ra ngày 21/1 tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo ước tính của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đang có hàng trăm nghìn xe đạp điện và xe máy điện lưu thông. Nguy cơ TNGT tiềm ẩn, nhất là khi người điều khiển chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng điều khiển xe, kiến thức về Luật Giao thông đường bộ; đặc biệt là đối tượng thanh thiếu, niên tâm lý thích thể hiện.

Đáng chú ý, hiện nay vẫn còn rất nhiều xe máy điện đang lưu hành nhưng không đăng ký. Vì thế, khi gặp lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông, người điều khiển xe thường phóng nhanh, vượt ẩu để trốn tránh. Đây có thể là những xe thẩm lậu hoặc xe mua lại không có giấy tờ, không đăng ký trước ngày 30/6/2016 theo Thông tư 54/2015/TT-BCA của Bộ Công an.

Thiếu tá Trần Quỳnh Long - Đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Thông tư số 54/2015/TT-BCA quy định, từ ngày 6/12/2015 đến ngày 30/6/2016 việc đăng ký, cấp biển số xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện được miễn lệ phí trước bạ và không cần phải xuất trình giấy tờ về nguồn gốc xe. Tuy nhiên, khi quy định này có hiệu lực, nhiều người không có ý thức tự giác đi đăng ký vì nghĩ rằng sẽ không bị xử phạt, đến khi Thông tư 54 hết hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc đầy đủ mới được đăng ký. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay vẫn còn rất nhiều xe máy điện chưa đăng ký”. 
Học sinh Trường THPT Diễn Châu 4 ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao đường bộ trước sự chứng kiến của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt tỉnh. Ảnh tư liệu

Theo Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, xe máy điện lưu hành mà không có đăng ký sẽ bị xử phạt giống như đối với xe 2 bánh có động cơ khác. Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt nhấn mạnh: “Với loại hình xe máy điện, người dân phải có ý thức trong việc đăng ký phương tiện của mình. Làm như vậy không những giúp các lực lượng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý phương tiện cơ giới đường bộ; phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mà còn giúp cho người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp, chứng minh được tài sản sở hữu của mình. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, góp phần giảm thiểu TNGT”.

Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, không để xe thẩm lậu vào địa bàn; kiên quyết xử lý vi phạm đối với những trường hợp điều khiển phương tiện không đăng ký. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và phân biệt được xe đạp điện, xe máy điện, đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng xe và đầy đủ các giấy tờ theo thủ tục pháp luật khi mua, bán xe.

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, tính đến ngày 7/5/2017, số lượng xe máy điện đăng ký trong toàn tỉnh là 47.806 xe. Trong đó, TP. Vinh có 11.755 xe; Đô Lương 4.179 xe; Diễn Châu 4.665 xe; Thanh Chương 2.440 xe; Quỳnh Lưu 2.184 xe...


Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN