(Baonghean) - Hiện nay, vận tải hành khách bằng ô tô chiếm ưu thế so với các loại hình vận tải khác, nhất là dịch vụ xe khách đêm, trong đó phần lớn là xe giường nằm. Tuy được đánh giá là mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách, như giá cả hợp lý, xe chạy nhanh tiết kiệm thời gian… nhưng vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách đi phương tiện này đang là nỗi lo của toàn xã hội.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô tuyến cố định trên địa bàn Nghệ An phát triển mạnh. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng với tổng số 638 phương tiện; trong đó có 224 xe hoạt động tuyến liên tỉnh, 383 xe hoạt động tuyến nội tỉnh, 11 phương tiện hoạt động vận tải khách theo hợp đồng.

Về hoạt động kinh doanh khai thác bến xe, có 2 đơn vị kinh doanh và khai thác bến xe với 14 bến xe đang hoạt động. Công ty CP Bến xe khách Nghệ An quản lý 13 bến, HTX Vận tải Huy Hải quản lý 1 bến xe Sơn Hải. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải đã chú trọng đầu tư phương tiện, đào tạo đội ngũ quản lý, lái xe theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cùng với đó, công tác quản lý vận tải, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý các đơn vị kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng do xe chở khách gây ra, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là xe chở quá số người quy định, lái xe chủ quan và xử lý tình huống kém...

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn liên quan đến xe khách thời gian qua cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như chất lượng đường sá chưa đáp ứng yêu cầu, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thì nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về lỗi chủ quan. Hiện có nhiều doanh nghiệp, HTX cho cá nhân góp vốn rồi khoán trắng cho lái xe, khoán doanh thu, cho phép tài xế chở quá tải; không quản lý được chất lượng xe, hành trình xe, sức khỏe của lái xe.
 
Với những phương tiện kinh doanh vận tải khách đường dài, cần có 2 lái xe thì đơn vị kinh doanh chỉ ký hợp đồng, quản lý đối với lái xe chính, còn lái xe phụ thường do lái xe chính quản lý và trả lương. Chính vì không được quản lý nên các phương tiện đã vi phạm tốc độ nhiều lần, chủ doanh nghiệp chưa thống kê theo dõi và xử lý, làm ảnh hưởng đến chất lượng vận tải khách, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.  Đối với lái xe, quá trình chạy xe trên đường, vì tranh giành khách nên thường vi phạm Luật Giao thông đường bộ, như đi sai làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định...
 
Thực hiện Nghị định 91 của Chính phủ, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã thành lập 2 đoàn tiến hành tổng kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra tại 41 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với 638 xe chạy tuyến cố định, 41 xe hợp đồng du lịch, 68 xe buýt thì tất cả các phương tiện đã được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, phần lớn thiết bị được lắp đặt đều không trích xuất được đầy đủ các dữ liệu theo quy định, có 26 phương tiện thiết bị giám sát hành trình không hoạt động. Nhiều trường hợp thiết bị mất kết nối, không kiểm tra được trên máy, hoặc báo thông tin không chính xác. Một số đơn vị vẫn chưa có sổ theo dõi tình hình phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, chưa theo dõi, nhắc nhở, xử lý lái xe vi phạm về an toàn giao thông...  
 
images883460_giam_sat.jpgGiám sát hoạt động các phương tiện vận tải qua thiết bị định vị vệ tinh GPS tại HTX Vận tải Bình Minh. Ảnh: Công Sáng
 
Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An: Nếu khai thác và quản lý tốt, thiết bị giám sát hành trình sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các tài xế vi phạm giao thông cũng dễ dàng hơn nhờ thông tin mà hộp đen ghi lại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải và các lái xe chưa thấy hết những tiện ích từ thiết bị này mang lại nên vẫn còn hiện tượng đối phó nhằm tránh bị xử phạt, lắp đặt thiết bị không đạt chuẩn, thậm chí còn sử dụng thiết bị không hoạt động. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, một số xe tuy có gắn hộp đen nhưng không trích xuất được dữ liệu và thông tin có liên quan đến hoạt động của xe khi đang lưu hành, không có cổng kết nối với máy in cầm tay để trích xuất dữ liệu.
 
Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đối với xe khách, xe giường nằm, ngày 13/11/2013, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý hoạt động của loại hình phương tiện vận tải này. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, 90% tai nạn xe khách thì đa số tai nạn là do lỗi của lái xe. Lái xe khách đường dài, chịu áp lực của chủ xe muốn quay vòng xe nhanh trong khi giảm thiểu chi lương cho nhiều tài xế, thường phải lái xe trong thời gian dài không nghỉ, dẫn đến thiếu tỉnh táo trong xử lí.
 
Trong trường hợp gây tai nạn, họ cũng là nạn nhân đáng thương do lòng tham của chủ kinh doanh dịch vụ xe khách. Nhằm xử lí tận gốc vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản về tăng cường quản lí xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm, trong đó qui định rõ xe có hành trình chạy liên tục 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng, sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm tính từ 8 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau). Sở Giao thông Vận tải các tỉnh được giao kiểm tra việc bố trí lái xe chạy đêm qua thiết bị giám sát hành trình…
 
Bên cạnh vấn đề giám sát chặt chẽ lái xe, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khảo sát kĩ các tuyến đường để sử dụng xe giường nằm phù hợp, đặc biệt các tuyến đường đèo dốc, quanh co, có tầm nhìn hạn chế. Giới hạn tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật với xe khách đêm cũng được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy định, đặc biệt đối với xe hoán cải, cải tạo từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm…
 
Để hạn chế TNGT  nói chung và TNGT đối với phương tiện vận tải ô tô khách nói riêng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, mà trước mắt là siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Bên cạnh việc bảo đảm đường thông hè thoáng, chống tái lấn chiếm hành lang, họp chợ trên đường gây mất tầm nhìn của lái xe, cần đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định vận tải hành khách của các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là việc sử dụng "hộp đen" kiểm soát hoạt động của phương tiện. Đồng thời nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, kiên quyết dừng lưu hành các loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật…
 
Để nâng cao chất lượng phục vụ, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cũng như chất lượng của đội ngũ lái phụ xe, các lực lượng chức năng cần tích cực tuần tra, kiểm soát, nhất là trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh; phải gắn trách nhiệm liên đới của chủ phương tiện với người được thuê lái xe; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách như chở quá số người qui định, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, không đúng lốt, đúng tuyến, tăng vé và có thái độ thiếu văn minh với hành khách... Có như vậy, TNGT mới có thể được kéo giảm trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
 
Ngọc Anh