Lý do phản ứng của người dân

Báo Nghệ An điện tử số ra ngày 9/6/2023 và ngày 18/6/2023 đăng bài “Cần làm rõ việc cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi trên đất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn" và "Bất thường trong việc cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi tại Nghĩa Đàn" đã phản ánh về việc thời gian gần đây, người dân xóm Tân Phú, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) đã đồng loạt kéo nhau ra khu vực mỏ cát, sỏi của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Hung (gọi tắt là Công ty Việt Hung) để ngăn cản hoạt động khai thác.

Lý do mà người dân xóm Tân Phú đưa ra là việc khai thác cát, sỏi gây sạt lở bờ sông, đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Người dân cũng đã phản đối với quyết định của UBND tỉnh về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và quyết định cho thuê đất đối với Công ty Việt Hung. Đồng thời cho rằng, khi tiến hành cấp phép mỏ và cho thuê đất, chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã không làm thủ tục đền bù, mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Người dân xóm Tân Phú đã nhiều lần kéo ra khu vực mỏ được cấp phép của doanh nghiệp để ngăn cản. Ảnh: Tiến Đông

Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn, việc người dân xóm Tân Phú cản trở doanh nghiệp khai thác cát, sỏi là do họ nghi ngại rằng việc khai thác cát, sỏi của Công ty Việt Hung sẽ gây sạt lở bờ sông, sạt lở đất nông nghiệp. Về phía người dân xóm Tân Phú cho biết, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007, một số tàu khai thác vàng trái phép hoạt động ngay tại khu vực hiện nay Công ty Việt Hung đang được cấp phép và thuê đất để khai thác cát, sỏi. Người dân lo ngại rằng, đơn vị này sẽ lợi dụng việc khai thác cát, sỏi để khai thác vàng.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, trong quá trình khai thác cát, sỏi, một số cá nhân, tổ chức đã sử dụng đá hộc, cát, sỏi ngăn dòng chảy khu vực sông Hiếu và sông Dinh, làm đường vận chuyển khoáng sản từ khu vực mỏ lên bờ. Điều này làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng. Qua kiểm tra thực địa, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện việc tập kết đá hộc, cát, sỏi trên dòng sông Hiếu, sông Dinh, làm đường vận chuyển, gây nguy cơ sạt lở dòng sông.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, vào ngày 19/6/2023, UBND huyện Nghĩa Đàn đã làm việc với UBND các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thành và Công ty Việt Hung. Trong đó, yêu cầu phía công ty phối hợp với UBND các xã thực hiện khai thông dòng chảy, hoàn trả hiện trạng ban đầu trên khu vực dòng sông Hiếu, sông Dinh. Tại cuộc họp này, phía Công ty Việt Hung cũng đã cam kết thực hiện khai thông dòng chảy, tháo dỡ, di dời các vật gây cản trở trên sông Hiếu, sông Dinh trước ngày 23/6/2023.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 850/UBND-TNMT ngày 23/6/2023 về việc tháo dỡ công trình, di dời các vật gây cản trở dòng chảy trên sông Hiếu của UBND huyện Nghĩa Đàn thông tin: Việc tháo dỡ kè đá tại khu vực lòng sông Hiếu (thuộc địa phận xã Nghĩa Thịnh) gặp khó khăn do người dân xã Nghĩa Thịnh phản đối, với lý do “đây là đường đi qua sông đến khu vực đất sản xuất của nhân dân”. Vì thế, UBND huyện Nghĩa Đàn đã yêu cầu các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thành phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu để việc di dời, thanh thải lòng sông được thực hiện.

Người dân xóm Tân Phú lo ngại rằng việc khai thác cát, sỏi sẽ gây sạt lở bờ sông. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến việc ngày 2/7/2018, UBND xã Nghĩa Hưng đã có Công văn số 27/UBND-ĐC xác nhận phần diện tích 44.242,3m2 mà Công ty Việt Hung đề nghị thuê đất là đất do UBND xã quản lý, không có cây cối, hoa màu và tài sản trên đất, không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, không tranh chấp, lấn chiếm. Trên cơ sở ý kiến của UBND xã Nghĩa Hưng, ngày 12/7/2018, UBND huyện Nghĩa Đàn đã ban hành Công văn số 499/UBND-TNMT, về việc xác nhận diện tích, loại đất, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án khai thác cát, sỏi. Sau đó ngày 5/9/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-UBND về việc cho Công ty Việt Hung thuê đất tại xã Nghĩa Hưng.

Như vậy, từ việc xác nhận hiện trạng sử dụng đất sai thực tế của UBND xã Nghĩa Hưng ở thời điểm 2/7/2018 đã làm phát sinh nhiều hệ luỵ. Ngoài việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân đang sản xuất trực tiếp trên khu vực đất nói trên, còn đẩy các cơ quan cấp trên vào tình huống “làm sai”. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến người dân xóm Tân Phú (trước đó là xóm 3), kéo nhau ra khu vực được cấp mỏ của Công ty Việt Hung phản đối trong nhiều năm lại đây.

Xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức liên quan

Thực tế sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 686 về việc cho Công ty Việt Hung thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được giao thực hiện ký kết hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên, do UBND xã Nghĩa Hưng xác nhận hiện trạng sử dụng đất sai, nên việc bàn giao trên thực địa đã không thực hiện được. Bởi khi kiểm tra thực địa, các bên liên quan mới “ngớ người”, khi thấy trên đất đang còn tài sản là hoa màu của nhân dân xóm Tân Phú, xã Nghĩa Hưng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đi kiểm tra tại khu vực mỏ cát sỏi của Công ty Việt Hung một ngày đầu tháng 6/2023. Ảnh: Tiến Đông.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Nghĩa Đàn, thì việc cho thuê đất là sai, vì thế hiện nay huyện đang đề xuất phía Công ty Việt Hung tạm dừng khai thác để giải quyết các ý kiến liên quan. Hiện nay, huyện cũng đã có báo cáo rà soát gửi UBND tỉnh và Sở Tài Nguyên và Môi trường, tuy nhiên, vì thẩm quyền cho thuê đất là của UBND tỉnh nên việc xử lý như thế nào sẽ do UBND tỉnh quyết định.

Cụ thể, vào ngày 26/6/2023, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có Báo cáo số 248/BC-UBND về việc kiểm tra, rà soát phản ánh của nhân dân địa phương về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Việt Hung. Tại báo cáo này, ngoài việc xác định nguyên nhân người dân phản đối, huyện Nghĩa Đàn cũng kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá, rà soát kết quả thăm dò khoáng sản tại khu vực mỏ của Công ty Việt Hung (vì người dân địa phương cho rằng, công ty này đang lợi dụng việc cấp phép khai thác cát, sỏi để khai thác vàng); xem xét điều chỉnh quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất đối với doanh nghiệp này về diện tích đất chưa được giải phóng mặt bằng trước khi thuê đất.

Máy móc tập kết tại một điểm khai thác. Ảnh: Tiến Đông

Về trách nhiệm, UBND huyện Nghĩa Đàn xác định sẽ tiếp tục tuyên truyền, đối thoại để nhân dân xóm Tân Phú hiểu và tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên phần diện tích không có tài sản, hoa màu của người dân. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xác nhận mặt bằng sạch trình cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất đối với Công ty Việt Hung không đúng quy định của pháp luật. Dù các cán bộ, công chức này hiện nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đây cũng là một bài học lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi được giao thực hiện nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc đất trước khi cho doanh nghiệp thuê đất. Nếu không kiểm tra kỹ trên thực địa mà chỉ ngồi ở nhà nghe báo cáo của cấp dưới, sẽ dễ dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm” và việc giải quyết hậu quả sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn.