Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:  Dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ được ban hành trước Tết âm lịch. Trước khi chính thức ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo quy chế để lấy ý kiến đóng góp của công luận, thí sinh...

images1445859_04a12ac7.jpgThí sinh làm thủ tục trước giờ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi Trường ĐH Sài Gòn

* Thưa thứ trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tuyển sinh năm 2015 diễn ra vào tháng 7 quá nắng nóng, gây mệt mỏi cho thí sinh. Vậy năm nay thời điểm tổ chức thi có được Bộ GD-ĐT điều chỉnh?

- Thời gian diễn ra kỳ thi sẽ vẫn là tháng 7. Qua thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, chúng tôi cho rằng thời điểm tổ chức thi như năm 2015 là phù hợp. Vào tháng 7, khi sinh viên đã nghỉ hè, lấy địa điểm tổ chức thi là các trường ĐH thì mới có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ coi thi để tổ chức kỳ thi.

Về phía thí sinh sẽ có thêm một tháng ôn tập, cũng có sự yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi được kỹ càng hơn. Về yếu tố thời tiết thì cũng khó dự báo trước là tháng 7 có nóng hơn tháng 6 hay không.

Năm 2015 có đặc điểm là tháng 7 diễn ra đợt nóng kỷ lục trong lịch sử. Năm nay diễn biến thời tiết có thể khác. Sau khi cân nhắc, bộ thấy vẫn nên giữ nguyên thời điểm tổ chức thi vào tháng 7.

* Việc tổ chức các cụm thi của năm 2016 dự kiến có thay đổi gì không? Những bất hợp lý trong việc quy định phân chia cụm thi với một số địa phương có được bộ giải quyết?

- Về cụm thi sẽ không có thay đổi gì nhiều so với năm 2015. Kỳ thi năm trước, việc tổ chức các cụm thi được đánh giá tốt, an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, năm nay bộ tiếp tục giữ ổn định việc tổ chức các cụm thi theo hai loại: cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ.

Tuy nhiên sẽ có một điều chỉnh nhỏ về cụm thi để xử lý tình huống thực tế: đó là có những thí sinh ở các khu vực giáp ranh nếu đến dự thi tại cụm thi trên địa bàn khác sẽ gần và thuận tiện hơn cụm thi theo đúng quy định. Năm nay, bộ sẽ cho phép những thí sinh ở một số khu vực giáp ranh được tùy chọn cụm thi mà thí sinh thấy thuận tiện nhất.

 Sau kỳ thi tuyển sinh năm 2015, có ý kiến cho rằng mặt bằng điểm thi khá cao, do đề thi phải đáp ứng cả hai mục tiêu: vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Việc duy trì mục tiêu kép này trong một đề thi liệu có hợp lý, năm nay bộ có điều chỉnh về đề thi của kỳ thi THPT quốc gia không, thưa ông?

- Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 được các trường ĐH, CĐ đánh giá là đã phân loại được thí sinh, các trường xét tuyển được đầu vào tốt hơn, đồng đều hơn. Đề thi năm 2015 được ra theo định hướng tỉ lệ 60/40.

Trong đó, 60% là nội dung cơ bản và 40% là nội dung nâng cao. Với tỉ lệ này, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu kép là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Phổ điểm thi của năm 2015 cho thấy đề thi có khả năng phân loại tốt, phổ điểm đều từ thấp đến cao, tỉ lệ giữa các mức điểm hợp lý, thuận lợi cho các nhóm trường khác nhau xét tuyển được đối tượng thí sinh có năng lực, trình độ phù hợp.

Vì vậy, đề thi tuyển sinh năm 2016 được bộ xác định là sẽ xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu đề thi, mức độ yêu cầu, độ phân hóa... như đề thi của năm 2015. Đề thi sẽ không có thay đổi, nên thí sinh có thể yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.

* Năm 2015, việc xét tuyển với quy định được rút, nộp hồ sơ nhiều lần đã gây căng thẳng, quá tải ở một số trường, gây bức xúc cho dư luận. Năm nay, Bộ GD-ĐT có sửa đổi các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển, nộp hồ sơ xét tuyển...?

- Qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các trường, các chuyên gia và lắng nghe dư luận, dự kiến quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 sẽ chủ yếu điều chỉnh các quy định liên quan đến quy trình xét tuyển.

Những quy định về xét tuyển sẽ là điểm sửa đổi mấu chốt nhất nhằm khắc phục những bất cập đã xảy ra trong quá trình xét tuyển của năm 2015. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác xét tuyển năm 2015 trong quá trình thực hiện còn một số bất cập, nhưng chủ yếu cũng chỉ xảy ra ở những trường có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, bộ vẫn thấy rằng cần có sự điều chỉnh để quy trình xét tuyển hợp lý hơn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường, đảm bảo công bằng trong xét tuyển...

Trên thực tế, rút nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều lần là một chính sách có ưu điểm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh, vì quyền lợi của thí sinh, nhưng lại thành bất lợi cho một bộ phận thí sinh. Vì thế, trong quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung điều chỉnh những quy định về xét tuyển, chủ yếu là những quy định mang tính kỹ thuật, để khắc phục những bất cập, có được quy trình xét tuyển thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường.

Ví dụ như sẽ quy định thời gian nộp rút hồ sơ ngắn hơn, phương thức nộp đơn xét tuyển đơn giản, thuận tiện hơn để tránh việc phải tập trung đông người tại các trường mà vẫn đảm bảo quyền lợi xét tuyển công bằng của thí sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển...

Đặc biệt sẽ có một điểm mới là thí sinh được nộp nhiều hồ sơ vào cùng một ngành ở các trường khác nhau. Bộ dự kiến quy định như vậy để thí sinh luôn có thể lựa chọn và có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành mình yêu thích nhất. Quy trình xét tuyển nằm trong quy chế tuyển sinh của năm 2016 sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của thí sinh và công luận, trước khi bộ hoàn thiện và chính thức công bố.

Theo Tuoitre.vn

TIN LIÊN QUAN