Với những thay đổi cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến tuyển sinh ĐH 2017 sẽ có những thay đổi khác biệt so với tuyển sinh các năm trước đây.
Thực tế các năm gần đây, việc tuyển sinh ĐH được các trường thực hiện chủ yếu theo hai phương thức: hoặc xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, hoặc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, chỉ có số lượng rất ít các trường đặc thù tổ chức thi riêng hoặc sàng lọc riêng bằng bài thi dạng năng khiếu.
Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia được giao hẳn về địa phương tổ chức dự kiến áp dụng vào năm 2017, việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH như thế nào là bài toán cân não với nhiều trường ĐH.
Bộ GD-ĐT đã lường trước việc sẽ phát sinh những phương thức xét tuyển mới phù hợp với đặc trưng, nhu cầu tuyển lựa thí sinh của các trường.
Cụ thể, ngoài việc tuyển sinh theo các phương thức truyền thống, dự kiến các trường ĐH có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp các ngành nghề đào tạo của trường sẽ phải có thêm một “kênh” sàng lọc: hoặc tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển, hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực.
Các trường có thể tự liên kết thành nhóm để tổ chức bài thi đánh giá năng lực riêng, nhưng cũng có thể phối hợp thành nhóm tuyển sinh với phương thức xét tuyển chung có sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ giúp các trường về đề thi (rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của ĐH Quốc gia Hà Nội), về tổ chức thi (nhiều đợt vào các ngày khác nhau trong năm), đồng thời cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng trong nhóm và có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Ngoài ra, các trường cũng có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh, nhưng bắt buộc phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau.
Ông Đặng Văn Tùng - phó trưởng phòng đào tạo Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - cho rằng rất khó để thuyết phục tất cả các trường tốp trên phải tin tưởng tuyệt đối vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã được giao phó hoàn toàn về cho địa phương.
“Nếu là kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức như kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây, chúng tôi sẽ không phải băn khoăn khi sử dụng kết quả. Nhưng với một kỳ thi giao về địa phương, tôi cho rằng những trường có điểm chuẩn trên 20 sẽ phải tìm thêm một phương án sàng lọc bổ sung để tuyển lựa thí sinh cho phù hợp. Trường hợp ở kỳ thi đánh giá năng lực bổ sung này, bộ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật - trong đó có khâu đề thi - thì chính bộ cũng phải có những đánh giá thuyết phục về hiệu quả, độ tin cậy, giá trị sàng lọc của đề thi mà bộ định sử dụng từ một cơ sở giáo dục cụ thể trước khi triển khai chính thức” - ông Tùng nói.
Dự kiến 5 phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ từ 2017 1. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT: Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả ba năm THPT). 2. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia: Thí sinh dùng mã số thí sinh để đăng ký xét tuyển. Dựa vào dữ liệu chung, các trường có đầy đủ thông tin và kết quả thi của thí sinh để thực hiện xét tuyển. 3. Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt: Là phương thức dành cho các trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp các ngành nghề đào tạo của trường. Các trường có thể tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển, hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực. Nếu hình thành các nhóm trường theo cách này, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường về kỹ thuật: tổ chức thi nhiều đợt/năm, đề thi rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng trong nhóm và có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và các trường trong nhóm phải tuân thủ phương thức xét tuyển chung. 4. Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác: Các trường sẽ công bố công khai phương thức sử dụng kết quả đánh giá năng lực, công bố công khai tên trường, nhóm trường, mã trường mà trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển. 5. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh: Các trường phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau. |
Theo TTO