Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, sẽ đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do kinh phí có hạn nên một số đoạn đường trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc -Nam được chọn đầu tư trước đã được nghiên cứu kỹ căn cứ theo lưu lượng xe.
Về giải phóng mặt bằng, ông Thể cho hay, sẽ được thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Sau đó, tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Có 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT. Rút kinh nghiệm từ những dự án BOT trước, các dự án này sẽ được đấu thầu toàn bộ. Nếu đấu thầu lần 1 không xong sẽ đấu thầu lần 2. Không chỉ định thầu như trước đây mà thực hiện công khai minh bạch, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phân chia ra nhiều dự án thành phần để thu hút được cả nhà đầu tư lớn và nhỏ, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải tối thiểu từ 15 -20% để chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính.
Thu phí sẽ thực hiện theo số km đi thực tế trên cao tốc, thu phí tự động, công khai, minh bạch. Quyết toán đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và người dân. Hiện mức giá bình quân được tính là 2.500 đồng/km, đây là mức khá cao so với khả năng của người dân. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị, năm đầu tiên thu phí 1.500 đồng/km, sau đó tăng dần đến năm cuối cùng là 3.400 đồng/km.
Ông Thể khẳng định, các dự án BOT trong tổng thể dự án cao tốc Bắc – Nam này sẽ không tạo ra bức xúc vì đây là trục đường mới. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi lên cao tốc mới còn không, người dân sẽ đi tuyến đường cũ.
Trước đó, Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội nêu rõ: Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Mức cao nhất là 1.500 đồng trong giai đoạn 2021 - 2023; còn mức cao nhất là 3.400 đồng cho giai đoạn 2042 - 2044.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, đối với kiến nghị “chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu”, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng ý với mục đích của kiến nghị và cho rằng đây là cơ sở quan trọng cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho Dự án.
Chính phủ đề xuất hai phương án: Một là, chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.
Hai là, xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ. Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị chọn phương án 1.
Theo tờ trình của Chính phủ, quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực đáp ứng được khoảng 35.000 xe con mỗi ngày đêm. Đến năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa vượt quá năng lực của quốc lộ 1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa vượt quá năng lực của tuyến quốc lộ 1. Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam không thể trì hoãn do: Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đặc biệt là một số đoạn có nhu cầu cấp bách nhằm sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; giải quyết những hạn chế mà quốc lộ 1 không thể đáp ứng; Lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm. |
Theo VOV