Tuy nhiên theo các chuyên gia, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton không muốn gia hạn hiệp ước khi văn kiện này hết hạn vào năm 2021. Giáo sư thỉnh giảng Subrata Ghoshroy từ Viện Công nghệ Tokyo cho rằng, dựa trên kế hoạch ngân sách thì tương lai việc gia hạn hiệp ước có vẻ ảm đạm.
Ông Ghoshroy nói: "Xét tới kế hoạch ngân sách khổng lồ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ trong vòng 30 năm tới, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện trở lại của một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm với Nga và Trung Quốc".
Chuyên gia Ghoshroy, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusettes, còn nhận định nếu START không được gia hạn, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua thế giới không còn bất kỳ hạn chế nào đối với hàng nghìn vũ khí hạt nhân hiện đang tồn tại.
Ông Ghoshroy nhấn mạnh: "Hậu quả của việc không gia hạn hiệp ước START có nghĩa chúng ta sẽ bước vào giai đoạn bất ổn lớn trong sự ổn định hạt nhân".
Chuyên gia này lưu ý, Tổng thống Trump vẫn còn cơ hội để tìm ra cách cứu vãn START và việc ông thoát cáo buộc có dính líu tới Nga trong chiến dịch bầu cử Tổng thống 2016 trao cho ông ấy sự tự do để làm điều này.
Ông Ghoshroy nhấn mạnh, quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) 1987 đã tạo ra bầu không khí chính trị và ngoại giao thù địch, gây khó khăn cho việc gia hạn START.
Theo chuyên gia này, sự sụp đổ của Hiệp ước INF "rõ ràng gây ra sự thiếu hụt lòng tin giữa hai nước, vốn là nhân tố then chốt để kiểm soát vũ khí".
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị của Mỹ Dan Lazare cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc và công nghệ vũ khí mới như tên lửa siêu thanh và ngư lôi trang bị hạt nhân tầm xa đã gây thêm khó khăn cho việc gia hạn START nhằm đối phó với các thách thức an ninh và công nghệ của kỷ nguyên mới.
Theo ông Lazare, việc không gia hạn được START Mới sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đa phương mới không chỉ có sự tham gia của Nga và Mỹ, mà còn có Trung Quốc, Triều Tiên và Iran./.