Xuất hiện thêm hiện tượng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy lớp nguồn, chạy phiếu bầu.

Bốn năm trước, cũng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trung ương đã thảo luận, ban hành nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Và tại hội nghị lần này, để có cơ sở bàn thảo tiếp về vấn đề hệ trọng đó, nhiều đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng như các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được thực hiện.

Xuất hiện những biểu hiện mới, tinh vi, phức tạp hơn

Bên cạnh khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tổng hợp các ý kiến cũng như kết quả các cuộc khảo sát một lần nữa tương ứng với đánh giá của Đại hội XII là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã kiểm điểm nhưng chưa làm rõ được thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình suy thoái; chưa chỉ rõ được là suy thoái ấy xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm.

Một số nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đề ra nhưng sau bốn năm chưa được thực hiện. Chẳng hạn chưa thay thế được những cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp theo quan điểm thay ngay, không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt cấp tỉnh, huyện không là người địa phương vẫn chưa đi vào cuộc sống. Việc thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, huyện gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát được đề ra từ khóa X, khóa XI đến nay không tiến thêm bước nào.

images1711003_s__c__c__ch__ng_n_ch_n___c__o_n__l_m_quy_n____nh_1_57fc3834ecde6.jpgCác đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp đổi mới công tác cán bộ đã được đặt ra vẫn chưa được thực hiện như thí điểm giao quyền cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bầu, bổ nhiệm cấp phó; bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu ủy viên thường vụ; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý…

Nghiên cứu, khảo sát cũng đi đến đánh giá là phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn chậm đổi mới, nhất là ở phương thức lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; có hiện tượng “cạnh tranh quản lý nhà nước” giữa một số bộ, ngành với nhau.

Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy trong cả hệ thống chính trị được liên tục đặt ra qua mỗi kỳ Đại hội Đảng nhưng thực hiện chưa gắn với tinh giản biên chế. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp và cấp xã.

Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy khen thưởng… không những chưa được ngăn chặn mà còn xuất hiện những biểu hiện mới, tinh vi, phức tạp hơn. Đó là hiện tượng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy lớp nguồn, chạy phiếu bầu; là tranh thủ bổ nhiệm, đề bạt nhiều cán bộ là con, cháu, người thân, người cùng nhóm lợi ích… trước khi hết nhiệm kỳ, trước nghỉ hưu hoặc trước khi chuyển sang công tác mới.

Kiểm soát chặt việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập

Từ các kết quả nghiên cứu, khảo sát thu được, ban chỉ đạo do Ban Bí thư thành lập kiến nghị Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục ban hành một nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Nghị quyết này sẽ kế thừa những nội dung đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI mà đến nay chưa làm hoặc làm chưa tốt. Ngoài ra, nghị quyết mới cần đề cập rộng hơn, sâu hơn một số vấn đề mới.

Chẳng hạn, nghị quyết cần quy định nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Có thể mở ra cơ chế kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp, kèm theo đó là cơ chế ngăn chặn tình trạng độc đoán, vượt quyền, lạm quyền. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ trên xuống, dưới lên và luân chuyển ngang. Riêng luân chuyển để tạo nguồn thì bố trí thẳng làm cấp trưởng (hiện nay chỉ bố trí làm cấp phó).

Nghiên cứu cũng rút ra từ kinh nghiệm thí điểm ở Quảng Ninh, theo đó cần xây dựng quy định, cơ chế để tiếp tục thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng, nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện có tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Riêng MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thì có thể dùng chung một cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp việc.

Đáng chú ý, ban chỉ đạo đề án cho rằng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công trong tình hình mới phải tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Cần xây dựng cơ chế để cấp ủy, chính quyền tiếp nhận phản hồi của nhân dân với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần xây dựng cơ chế để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong nội dung kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, cần xây dựng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức việc phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Có thể phải xây dựng quy định riêng để kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN