(Baonghean) - Tôi có cô em họ chờ chồng gần như cả cuộc đời, đến lúc mái tóc pha sương lại nhận được tin báo tử. Già yếu cô ấy đã xin gia nhập Nhà nuôi dưỡng thân nhân Liệt sỹ Nghệ An ở khối 6, Thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm cô ấy… Tháng Bảy này, tôi đến nhà nuôi dưỡng thăm em họ, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH) Nguyễn Thị Tồng, một trong những mẹ được Báo Nghệ An phụng dưỡng nhiều năm nay.

Nhà nuôi dưỡng thân nhân Liệt sỹ Nghệ An hiện có 29 đối tượng là mẹ, vợ, con, cháu của liệt sỹ không nơi nương tựa. Người cao tuổi nhất là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tồng 98 tuổi, trẻ nhất 22 tuổi (cháu liệt sỹ). Trong đó, có hai mẹ liệt sỹ già yếu cần được chăm sóc tại chỗ; còn lại phần lớn là người mù, điếc, tâm thần… luôn cần sự chăm sóc thường xuyên của các nhân viên. Chế độ của Nhà nước đối với mọi người khác nhau. Người có lương hưu từ 3-5 triệu đồng/tháng; người có mức trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/ đến 810.000 đồng. Nhu cầu sinh hoạt, khẩu phần ăn cũng rất khác nhau. Vì thế việc chăm sóc, nuôi dưỡng gặp không ít khó khăn… 

Kiểm tra sức khoẻ cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tồng.

Xác định, chăm sóc thân nhân các liệt sỹ không chỉ là nhiệm vụ, công việc mà còn là tinh thần, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha anh, với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc; là lòng tri ân sâu sắc do đó, cán bộ công nhân viên trung tâm luôn đặt chữ Tâm lên trên hết. Ban Giám đốc đã định kỳ tổ chức sinh hoạt toàn thể trại viên, nghe tâm tư, góp ý của mọi người để xây dựng, bổ sung Quy chế làm việc của cơ quan, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phục vụ. Chăm lo đời sống vật chất của các đối tượng: phục vụ đầy đủ và thường xuyên 3 bữa ăn trong ngày cho trại viên với nhiều đối tượng, nhiều yêu cầu khác nhau đảm bảo chất lượng.

Các trại viên yếu được nhân viên trực tiếp chăm sóc tại giường. Việc vệ sinh từ phòng riêng các trại viên đến khu vực công cộng luôn bảo đảm sạch sẽ thoáng mát. Ngoài việc huy động các khả năng có thể của Nhà an dưỡng để nâng cấp phòng ở, trang bị quạt điện, tivi cho các phòng, máy điều hoà cho các đối tượng đặc biệt; đơn vị đã vân động Công ty An Hoà Phát ở huyện Diễn Châu trang bị cho tất cả các phòng quạt điện mới có chất lượng cao. Đặc biệt Ban giám đốc đã động viên các trại viên có sức khoẻ tham gia các hoạt động như vệ sinh chung, chăm sóc người già yếu, tạo không khí hoà thuận, thân ái, cởi mở giữa các trại viên. Khi trại viên đau ốm, nhân viên thay nhau trực phục vụ 24/24 giờ trong ngày. Khi trại viên qua đời, Nhà nuôi dưỡng tổ chức tang lễ chu đáo, mai táng chu tất. Nhờ vậy các trại viên coi đây là ngôi nhà chung. 

Ông Hồ Sỹ Toàn, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Những người vào trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, hầu hết không nơi nương tựa. Họ đã gánh chịu nhiều hy sinh, mất mát. Người thân của họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường; mất một phần máu thịt bởi chiến tranh… để có cuộc sống tự do, độc lập hôm nay. Do đó, chăm sóc họ, không những là trách nhiệm, là công việc mà còn là tinh thần đáp nghĩa, tri ân; với mong muốn sự ân cần, lòng yêu thương của chúng tôi; sự quan tâm của xã hội sẽ phần nào bù đắp những mất mát, đau thương đó…”. 

 Lăng Hồng Quang