Chị Phan Thị Huyền ở xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh cho biết đợt mưa này chị thiệt hại gần 20 triệu. Ảnh Đức Anh.jpg
Chị Phan Thị Huyền ở xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh cho biết đợt mưa này chị thiệt hại gần 20 triệu. Ảnh: Minh Thái

Trong đợt mưa kéo dài những ngày qua, nhiều vườn ổi trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn xảy ra tình trạng ổi rụng hàng loạt, đặc biệt ở các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Yên, Nghĩa Khánh…

Đến vườn ổi của gia đình chị Phan Thị Huyền ở xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh không khỏi xót xa. Gần 1ha ổi trồng xen cam của gia đình chị hầu như bị mất trắng, ổi rụng quanh cây và đang trong quá trình thối rữa.

Chị Huyền cho hay, vườn ổi của chị có gần hơn 500 gốc, cây ít nhất cho hơn 30kg quả, cây nhiều hơn 50kg. Khi thấy trời mưa, gia đình anh đã cố gắng thu hái nhưng ổi hỏng nhiều, chỉ chọn được khoảng 1/3 số cây. Tính ra thiệt hại gần 20 triệu đồng trong đợt mưa này. 

Tranh thủ nắng ráo, anh Lô Văn Thiệu, xã Nghĩa Lâm tranh thủ bán hết vườn ổi để bù tiền mua nilon bọc ổi. Ảnh: Đinh Thùy

Sau đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, nhiều cây ổi bắt đầu héo lá, quả rụng khắp vườn. Chỉ cần cây rung lắc nhẹ là hàng chục quả lại rụng xuống. Nhiều hộ trồng ổi ở Nghĩa Đàn đang chịu cảnh để không được, bán không xong, nhất là thời điểm này có nhiều loại hoa quả khác cũng đến mùa.

Gia đình anh Lô Văn Thiệu ở xóm 13, xã Nghĩa Lâm có 4 sào ổi, những ngày mưa vừa qua đã làm cho lứa ổi đến lúc thu hoạch bị xốp, rụng. Hiện nay gia đình anh đang cố gắng thu hoạch để vớt vát công sức cũng như tiền của bỏ ra đầu tư.

Anh Thiệu chia sẻ: "Mưa nhiều không chỉ làm ổi xốp mà không còn giảm độ ngọt, nhiều quả bọc vẫn bị ngâu, rụng. Trời mưa thì không ai mua, tranh thủ mấy ngày nắng, gia đình hái ổi bán nhưng người mua cũng ít vì ổi không ngon. So với những vườn ổi khác, vườn ổi của gia đình vẫn ngọt hơn nhưng chỉ bán được với giá 5.000 đồng/kg. Trồng ổi mất rất nhiều công, không phun thuốc trừ sâu nên trong gia đình chỉ bố trí 1 nhân lực chuyên chăm sóc, bọc ổi. Thế nhưng ổi chất lượng kém, giá thấp không bù được công chăm sóc, mua túi bọc.

Mỗi sào ổi nông dân chỉ vớt vát được 1 đến 2 triệu đồng. Ảnh Đinh Thùy.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở xóm Nam Lâm, xã Nghĩa Lâm cho biết, gia đình bà trồng hơn 1 sào ổi ruột hồng, 1 tháng trước cả nhà tập trung tưới nước vì nắng kéo dài. Còn tháng này lại mưa dài ngày, làm cho ổi chín không hái được. May mà mấy ngày nắng cũng hái bán được hết nhưng giá ổi chỉ 3.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá ổi cuối năm.

Xã Nghĩa Sơn là nơi đầu tiên và cũng là vựa ổi ở Nghĩa Đàn với diện tích 43 ha bởi vậy nông dân ở đây cũng nhiều kinh nghiệm trồng ổi hơn hẳn những nơi khác. Tuy nhiên, theo người dân dù có làm cách gì thì ổi tháng 7 vẫn kém chất lượng. Năm nay lại khó khăn hơn do mưa sớm và kéo dài nhiều ngày liên tục nên ổi không ngọt, hay bị sâu bệnh. Những vườn ổi có lượng quả chín vào dịp tháng 7 "khóc ròng" vì giá cả quá thấp.

Cán bộ nông nghiệp xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) hướng dẫn cách để quả cho người dân trồng ổi. Ảnh: Đinh Thùy

Ông Trần Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn cho biết: Lứa ổi vào tháng 7 năm nào cũng giá rẻ hơn ổi các vụ khác. Vì vậy, muốn hạn chế thiệt hại thì 2 đến 3 tháng trước khi những quả non bắt đầu ra nông dân nên hái vứt bỏ, chỉ để lại ít quả trên cây để ổi ra lứa khác, chín vào tầm tháng 9, tháng 10 chất lượng cũng như giá bán cao hơn.

"Theo những người trồng ổi lâu năm, có thể điều tiết lượng quả, thời điểm ổi chín bằng việc bứt bỏ những quả non để ổi ra lứa khác. Đây cũng là kinh nghiệm để người dân có thể hạn chế thiệt hại, không để quả nhiều trong tháng 7, tháng 8. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con trồng ổi không nên để quả nhiều vào vụ này để hạn chế thiệt hại" - ông Trần Quốc Hồng cho biết thêm.

Theo nhận định của nhiều chủ vườn ổi, với tình hình thời tiết như hiện nay thì tình trạng ổi rụng sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới nếu tiếp tục mưa, đồng nghĩa với thiệt hại sẽ còn lớn hơn./.