(Baonghean.vn) - Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân các xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn vào rừng tìm sâu măng mang về chế biến làm món ăn, hoặc đem ra chợ bán.
Để "săn" sâu măng người dân các xã vùng cao như Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Bảo Nam... của huyện Kỳ Sơn vào các cánh rừng già có cây măng luồng. Ảnh: Lữ Phú Ông Lầu Nhìa Xồng, một người rất có kinh nghiệm tìm sâu măng ở bản Huồi Ức, xã Huồi Tụ, cho biết: Những cây có sâu ăn thường là măng già, lớp vỏ bên ngoài đã khô nhưng vẫn chưa bung khỏi cây, cây càng có nhiều đốt càng có nhiều sâu. Ảnh: Lữ Phú Khi những cây măng đã cao lớn thì nhưng ấu trùng sâu bên trong cũng đến thời kỳ trưởng thành, lúc đó sâu sẽ dồn về ở một ống bất kỳ trên thân cây măng. Ảnh: Lữ Phú Xem dân bản "săn" sâu măng trong rừng luồng:
Vào các tháng 10, tháng 11 và tháng 12 hàng năm là giai đoạn sâu măng to béo nhất. Ảnh: Lữ Phú Theo ông Lầu Bá Chư - Trưởng bản Huồi Ức, xã Huồi Tụ: Một ngày, một 'thợ săn' sâu có thể kiếm được 2 - 3 kg. Thậm chí nếu may mắn có thể bắt được hơn 4kg. Với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/1kg, vào mùa sâu măng một hộ dân có thể thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Ảnh: Lữ Phú Để có thêm nguồn thu từ sâu măng, 75 hộ dân bản Huồi Ức đã phân chia khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ 5ha rừng tự nhiên của cộng đồng. Nhờ vậy, ngoài sâu măng bà con thêm nguồn thu từ các lâm sản phụ. Ảnh: Lữ Phú Trước đây khi cuộc sống còn khó khăn, sâu măng được chế biến để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây sâu măng trở thành đặc sản và là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, vậy nên sâu măng có mặt tại tất cả các chợ ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú Vào mùa này sâu măng là món không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú
Lữ Phú