Chỉ có 36/71 tác phẩm đạt yêu cầu là thông tin mà ông Lê Quốc Việt, thành viên ban giám khảo chấm Hán – Nôm đồng thời làm giám thị công bố về kết quả đợt thi sát hạch ông đồ lần 2 vừa diễn ra sáng 5/2.
Các ông đồ trong đợt thi sát hạch
Như vậy, qua đợt thi sát hạch đối với các thành viên thuộc các câu lạc bộ thư pháp ở Hà Nội, có tới 50% “ông đồ” thi trượt.
Theo nhà thư pháp Lê Quốc Việt, những lỗi cơ bản mà những người dự thi gặp phải hầu hết do vốn chữ quá tầm thường, không đủ phục vụ người dân.
Ông Việt chia sẻ: “Tôi không tưởng tượng được ở cái đất này lại có những người lấy tiền thật mà bán hàng giả. Những người viết sai, viết ẩu hoạt động trên phố ông đồ trong suốt thời gian qua chỉ núp bóng lấy tiền của dân.
Việc xin chữ phải do người dân "ra đề" chứ không phải theo ý các ông đồ. Chẳng hạn người dân xin chữ “Đỗ”, ông đồ lại chỉ cho chữ Nhẫn là hỏng. Do đó, các ông đồ hãy nhìn vào chính mình, thấy yếu thì rút lui, đừng "nhân bẩn, nhân xấu chữ" khắp Hà Nội”
Ông Việt cũng cho rằng, "Phố ông đồ" không phải nơi để phân lô bán hàng, chặt chém con chữ, bòn rút tiền của người dân. Do đó, các ông đồ nên nghĩ việc ngồi trong Hồ Văn cho chữ như triễn lãm văn hóa hơn là để đi bán chữ, làm văn hóa trước làm kinh tế sau. “Tôi nhận thấy động cơ kiếm tiền của ông đồ thời nay rất bất chính nhất trong khi bản thân họ chưa đủ vốn liếng chữ nghĩa phục vụ người dân”, ông Việt tỏ ra bức xúc.
Trước đó, trong đợt sát hạch lần 1 diễn ra cách đây vài ngày, theo kết quả được công bố có tới 70% trong số gần 50 ông đồ từ các tỉnh thành phía Bắc về Văn Miếu - Quốc Tử Giám dự thi bị trượt.
Sát hạch lần 1: Nhiều ông đồ không biết chữ
Ngày 1/2, trao đổi với báo giới về hậu trường cuộc sát hạch các ông đồ vừa qua, TS Phạm Văn Ánh đã chia sẻ nhiều câu chuyện khiến người nghe… phát hoảng.
Theo TS Phạm Văn Ánh, cuộc sát hạch ngày 31/1 tại Văn Miếu gồm có hai phần: Phần thi chữ Hán và phần thi chữ Quốc ngữ. TS Phạm Văn Ánh ở trong ban phụ trách chấm thi mảng chữ Hán. Đề thi phần chữ Hán rất dễ, các ông đồ chỉ phải viết đúng 4 chữ với những yêu cầu tối thiểu.
“Sau khi chấm sát hạch, kết quả cho thấy, 70% các ông đồ viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn, có người còn chưa biết cách cầm bút”, TS Phạm Văn Ánh nói với tâm trạng khá thất vọng.
Một chuyên gia khác thuộc Viện Nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm thì thẳng thắn cho rằng, việc sát hạch là để chấm dứt tình trạng cho chữ sai, chữ xấu tràn lan ngày Tết những năm trước. Chuyên gia này bức xúc: “Nếu viết chữ xấu, vốn từ, số chữ nắm được có hạn thì các ông đồ không nên vào Hồ Văn”.
Ban tổ chức cũng cho biết, kết quả chấm thi được công bố trước đông đảo các ông đồ. Ban giám khảo đã chỉ rõ từng bài thi với những thông tin đúng, sai rành mạch. Phần lớn các ông đồ đều không có phản hồi mà chỉ nhận mình viết chưa chuẩn.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN