bna_chieu716452_2762019.jpgChiều 27/6, tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 6, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy tiếp tục nghe và cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về nội dung kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII; về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ảnh tư liệu
Thông qua các nội dung kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh

Trình bày về dự kiến nội dung  kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành liên quan sẽ trình kỳ họp xem xét 28 báo cáo, trong đó dự kiến trình bày tại Hội trường 8 báo cáo, các báo cáo còn lại sẽ gửi đến các đại biểu nghiên cứu.

Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét thông qua 24 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác nhân sự, trong đó: Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị và trình 4 dự thảo Nghị quyết, UBND tỉnh chuẩn bị và trình 20 dự thảo Nghị quyết (có danh mục Nghị quyết trình kỳ họp kèm theo).

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 9. Ảnh: Đào Tuấn
Chương trình kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 10-12/7. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra vào chiều ngày 11/7.

BTV Tỉnh ủy đã thống nhất các nội dung mà Thường trực HĐND tỉnh trình bày.

36 xã sẽ sáp nhập còn 16 xã

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe đại diện Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình bày dự thảo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Hình ảnh thuyết vinh việc sáp nhập các xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng huyện Thanh Chương.

Toàn tỉnh hiện có 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, gồm 17 huyện, 1 thành phố và 3 thị xã và không có ĐVHC cấp huyện nào dưới 50% cả 2 tiêu chí (dân số và diện tích). Vì vậy chưa phải thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 1 từ năm 2019-2021.

Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 480 ĐVHC, gồm: 431 xã, 32 phường và 17 thị trấn. Trong đó: có 50 ĐVHC đạt 100% cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Có 413 ĐVHC đạt trên 50% trở lên về tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định và có 17 ĐVHC (gồm 14 xã và 3 thị trấn) đạt dưới 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021.

Trên cơ sở báo cáo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của 10 huyện, toàn tỉnh có 17 ĐVHC cấp xã phải tiến hành sáp nhập (3 thị trấn và 14 xã) trong giai đoạn 2019 – 2021. Tuy nhiên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị giữ nguyên thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), vì đây là địa bàn biên giới, là huyện khó khăn nhất của tỉnh. Huyện có 11 xã biên giới, xã còn lại đều là xã thuộc diện khó khăn...

Còn lại giai đoạn 1 có 16 ĐVHC cấp xã của 10 huyện sẽ thực sắp xếp, sáp nhập. Có 2 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sáp nhập; 18 ĐVHC liền kề có liên quan đến sáp nhập ĐVHC cấp xã.  Như vậy có tổng số 36 ĐVHC cấp xã (phải sáp nhập, khuyến khích, liền kề) sắp xếp, sáp nhập thành 16 đơn vị. 

Giữ nguyên số lượng cán bộ hiện có và bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ công chức, viên chức dôi dư, hiện nay Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể. UBND tỉnh đề xuất, trước mắt giữ nguyên số lượng cán bộ công chức (CBCC) hiện có và bố trí công tác theo các vị trí chức danh ở xã mới sau khi sáp nhập và thực hiện chính sách giảm dần không tuyển dụng bổ sung thêm cho đến khi đảm bảo đủ số lượng theo quy định.

Đối với số lượng lãnh đạo cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập (bao gồm: Bí thư, Phó Bí thư Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) các địa phương tổ chức kiện toàn bố trí lại người đứng đầu ở xã mới theo quy định; số cán bộ lãnh đạo dôi dư thực hiện cho bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định cho đến khi bố trí được công tác khác. Điều chuyển cán bộ, công chức đến đơn vị còn khuyết chức danh hoặc còn thiếu công chức đảm bảo có trình độ chuyên môn phù hợp; Giải quyết chế độ nghỉ hưu (nếu đảm bảo điều kiện theo quy Luật cán bộ, công chức và Luật BHXH);  Thực hiện nghỉ chế độ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị 113/2018/NĐ-CP sửa đổi nghị định số 108 về tinh giản biên chế (nếu đủ điều kiện); thực hiện nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân; thực hiện nghỉ việc đóng BHXH tự nguyện…

Bản đồ hành chính các xã thuộc huyện Tương Dương sẽ tiến hành sáp nhập.
Theo lộ trình, từ tháng 6 - tháng 7/2019, xây dựng đề án chi tiết, lấy ý kiến cử tri các xóm thuộc các xã thực hiện sáp nhập; Từ ngày 1- 30/8/2019 thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh về đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã. Từ ngày 10/9/2019 trình Chính phủ thẩm định đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã để trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại phiên làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về phương án sáp nhập ĐVHC cấp xã và việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức cơ sở.
Theo đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan  tỉnh, quá trình sáp nhập cần lưu ý việc đặt tên của các xã mới hình thành. UBND tỉnh cần nghiên cứu kỹ để quyết định giữ lại hoặc thay đổi tên gọi một số ĐVHC cấp xã và thôn, bản.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Tỉnh đề nghị, quá trình sáp nhập phải tính đến những đặc thù của địa bàn, nhất là khoảng cách giữa các bản làng miền núi; những mâu thuẫn của dòng họ trong cộng đồng thiểu số.  

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, công tác sáp nhập ĐVHC cấp xã đang được UBND tỉnh triển khai quyết liệt.. Ảnh: Đào Tuấn
Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, công tác sáp nhập ĐVHC cấp xã đang được UBND tỉnh triển khai quyết liệt. Theo đó, cơ bản sẽ tiến hành sáp nhập 3 ĐVHC cấp xã thành 1 xã mới, ngoại trừ huyện Hưng Nguyên sáp nhập 2 xã. Vì nếu tiến hành nhập 3 xã thì huyện Hưng Nguyên sẽ không đạt mức tối thiểu 16 xã theo quy định của Trung ương. Trong quá trình sáp nhập tỉnh cũng tính toán rất kỹ việc giữ tính chất đặc thù, bản sắc của các địa phương, trong đó kể cả việc giữ lại tên gọi xã, bản, thôn xóm.

Không tuyển dụng cán bộ cơ sở, giữ nguyên cán bộ cấp phó

Trước sự tham gia của đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn mong Trung ương xem xét, chia sẻ với Nghệ An những khó khăn trong công tác sáp nhập, nhất là các yếu tố đặc thù khi thực hiện chủ trương quan trọng này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị dừng ngay việc tuyển dụng cán bộ cơ sở và phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, để đảm bảo thuận lợi cho quá trình sáp nhập. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị dừng ngay việc tuyển dụng cán bộ cơ sở và phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, để đảm bảo thuận lợi cho quá trình sáp nhập.

Khẳng định hoàn toàn thống nhất với chủ trương sáp nhập mà Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề xuất, phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu UBND tỉnh và các đơn vị liên quan phải lấy ý kiến HĐND các cấp và các ngành cũng như của người dân để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kết luận phiên làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đối với 738 cán bộ của 36 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sáp nhập, xã khuyến khích sáp nhập và xã liền kề, trước mắt sẽ chuyển dịch theo tính chất cơ học. Các cán bộ cấp phó tiếp tục được giữ nguyên và cộng vào theo số lượng, còn trong tương lai sẽ từng bước sắp xếp lại.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy ĐVHC cấp xã UBND tỉnh và các đơn vị liên quan cũng xác định phương án cho từng trường hợp cụ thể: Những người nào chuẩn bị nghỉ hưu, xã nào mà cán bộ tự thỏa thuận sắp xếp được với nhau, đơn vị nào dự báo có thể xảy ra mâu thuẫn do cơ cấu lại tổ chức bộ máy… tất cả phải được xem xét để linh hoạt trong xử lý, sắp xếp cán bộ.

Đối với thôn, xóm do số lượng lớn, nhiều đặc thù, yêu cầu các đơn vị cấp huyện chủ trì thực hiện công tác sáp nhập, sắp xếp và báo cáo với tỉnh về những phức tạp nảy sinh để có sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh căn cứ vào tiêu chí, nguyên tắc để giải quyết các vấn đề liên quan.

Cũng trong buổi chiều BTV Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào một số nội dung khác.