Khó từ cơ sở
Xã Đồng Văn được xem là một trong những xã làm tốt công tác dân số của huyện Quế Phong. Năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 của toàn xã chỉ chiếm 2,3% và có 9/10 thôn, bản không có người sinh con thứ 3.
Xã Đồng Văn được xem là một trong những xã làm tốt công tác dân số của huyện Quế Phong. Năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 của toàn xã chỉ chiếm 2,3% và có 9/10 thôn, bản không có người sinh con thứ 3.
Để có được kết quả này, chị Nguyễn Thị Sen - viên chức dân số xã này nói rằng, đó là nhờ rất lớn vào tâm huyết của những cộng tác viên dân số. Những người không quản nắng mưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lăn lội với cơ sở, với bà con dân bản...
Hiện đội ngũ cộng tác viên dân số ở xã Đồng Văn khá đồng đều và có nhiều kinh nghiệm, trách nhiệm. Tuy nhiên, để duy trì được kết quả này trong lâu dài thì còn nhiều khó khăn bởi hiện nay để “giữ chân” cộng tác viên không dễ. Lý giải về điều này, chị Sen cho hay, cộng tác viên đa phần đang còn trẻ và là trụ cột chính của gia đình. Vì vậy, bên cạnh công việc của thôn, bản, họ còn phải lo lắng về kinh tế.
Hiện nay, trợ cấp của cộng tác viên thì quá ít, chỉ có 139.000 đồng/người/tháng... Vì lương quá thấp nên trong vài năm trở lại đây, nhiều người nghỉ việc. Gần đây nhất, chị Vi Thị Hằng (bản Pang) đã bỏ công việc chị gắn bó nhiều năm để xin vào công ty gần nhà làm công nhân...”,
Việc đề xuất người trẻ làm cộng tác viên dân số còn khó khăn hơn với đặc thù địa bàn thị trấn Con Cuông. Từ 4 năm trở lại đây, thị trấn cũng đã phải thay 2 cộng tác viên mới cũng với lý do tương tự. Số người còn lại, trẻ thì cũng ngoài 40, còn đa phần là cán bộ đã về hưu, làm kiêm nhiệm thêm.
Chị Lê Thị Long - viên chức dân số thị trấn Con Cuông cho biết: “Chúng tôi cũng mong rằng, trong vài năm tới, khi các cộng tác viên đã cao tuổi đến tuổi nghỉ thì sẽ đào tạo được đội ngũ trẻ kế cận để duy trì các hoạt động, các phong trào ở các khối, xóm”.
Phụ cấp của cộng tác viên hiện nay rất thấp thế nên chỉ những ai thực sự tâm huyết thì mới có thể gắn bó lâu dài với công việc.
Nói thêm về những khó khăn hiện nay, chị Lô Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ của huyện Quế Phong cho biết, phụ cấp của cộng tác viên hiện nay rất thấp thế nên chỉ những ai thực sự tâm huyết thì mới có thể gắn bó lâu dài với công việc. Còn lại, chúng tôi khuyến khích các xã, sử dụng cộng tác viên với hình thức kiêm nhiệm như vừa làm cộng tác viên dân số, vừa làm phó chủ tịch hội phụ nữ. Có như vậy thì nguồn phụ cấp mới cải thiện và để họ yên tâm công tác... Thời điểm này, trên toàn huyện Quế Phong tỷ lệ cộng tác viên kiêm nhiệm chiếm khoảng gần 60%. Nhưng trong số đó, vẫn có những xáo trộn thường xuyên vì ngoài phụ cấp thấp, nhiều người còn lo ngại, sau khi sáp nhập, đội ngũ cộng tác viên cơ sở khó hoạt động.
Chưa xáo trộn bộ máy làm công tác dân số
Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh nên bộ máy làm công tác Dân số từ cơ sở đến tỉnh đã được kiện toàn có hệ thống chặt chẽ, tinh gọn, chuyên môn sâu, làm việc có hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, ở thôn bản, có hơn 6.700 cộng tác viên và hầu hết kiêm nhiệm các chức danh khác như y tế thôn bản, phụ nữ xóm…
Ở cấp xã, cán bộ dân số được tuyển dụng từ chuyên trách dân số thành viên chức dân số cấp xã từ năm 2013. Đến năm 2018 đã có 462/480 xã, phường có viên chức và hầu hết đều giữ chức vụ Phó Ban chỉ đạo công tác dân số cấp xã.
Nhờ có sự ổn định về bộ máy nên công tác dân số tỉnh nhà trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực và hoạt động ngày càng nề nếp, có chiều sâu. Nhiều người cũng đã biết phát huy lợi thế là người địa phương, am hiểu địa bàn, văn hóa, sinh hoạt vùng miền để dễ dàng tiếp cận với đối tượng và tìm các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tạo hiệu quả cao trong công việc. Với vai trò quan trọng này, nên thời gian qua, sau khi có chủ trương sáp nhập các trung tâm dân số, không chỉ ngành mà các địa phương rất lo lắng.
Cán bộ dân số và các cộng tác viên dân số là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số và góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu công tác dân số/KHHGĐ.
Trước những băn khoăn, lo lắng về chủ trương sáp nhập, lãnh đạo Chi cục này cho rằng: Việc sáp nhập là chủ trương chung của ngành nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả của công việc. Tuy nhiên, với ngành Dân số, do những đặc thù riêng, nên cũng cần cân nhắc và tiến hành thận trọng, theo đúng lộ trình, sát với thực tế của địa phương, theo đặc thù của từng vùng, miền và đặc biệt nên tách riêng hệ thống làm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hệ thống y tế dự phòng.
Với những vướng mắc này, nên trong thời gian chờ hướng dẫn của liên bộ Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, ngành Dân số cũng đã tham mưu Sở Y tế để tham mưu UBND tỉnh tạm dừng thực hiện Đề án sáp nhập TTDS- KHHGĐ & TTYT cấp huyện. Trước đó, trong quá trình xây dựng đề án cũng đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn về tên gọi, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế.
Ngoài ra, để yên tâm tư tưởng cho cán bộ, viên chức, công chức làm công tác dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã mở hội thảo cấp tỉnh về tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ thôn bản, xã, phường, cấp huyện đến tỉnh có sự tham gia của Sở Y tế, Sở Nội vụ để nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và đề xuất của tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Trước mắt, ngành sẽ tham mưu đề án việc làm, giảm biên chế đạt theo kế hoạch của tỉnh giao, đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2016.
Với những nỗ lực này, hoạt động dân số trong những tháng đầu năm 2019 đã khởi động lại khá sôi nổi. Đây cũng là những tín hiệu tích cực để thời gian tới, công tác dân số tỉnh nhà có thêm nhiều chuyển biến, từng bước hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra.