Ngoài 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2019 - 2021, khuyến khích các địa phương tiến hành sáp nhập nếu thuận lợi - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ với báo giới về việc triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV:Con số 631 đơn vị hành chính cấp xã và 16 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sáp nhập theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải là con số cuối cùng chưa, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã xác định có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt cả hai tiêu chuẩn, đều dưới 50% tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích. Con số này hiện nay đã chốt. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích, vẫn khuyến khích các địa phương tiến hành sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp này không thực hiện theo kiểu áp đặt duy ý chí mà có tính đến yếu tố đặc thù của địa phương về lịch sử, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán và phải đảm bảo có sự đồng thuận của người dân.
PV: Nhiều ý kiến lo ngại việc sáp nhập huyện, xã, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức theo kiểu cơ học sẽ không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thứ trưởng nghĩ sao?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Sáp nhập huyện, xã, khó khăn nhất là khâu sắp xếp nhân sự, vì đụng đến con người, nếu đủ tuổi và đang công tác cũng không thể gom cơ học được.
Trong quá trình sắp xếp, nếu không kết hợp tinh giản biên chế, tạo điều kiện giải quyết số lượng cán bộ công chức dôi dư, mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được.
Do đó, các địa phương phải bám sát quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị cũng như nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 653 của Quốc hội, đó là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Để triển khai tốt vấn đề này, trách nhiệm các cấp ủy Đảng và địa phương rất lớn, đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng trong đánh giá, phân loại cán bộ công chức để thực hiện tốt mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này.
Ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức vào các đơn vị hành chính mới theo đề án, cũng cần thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế đối với số cán bộ dôi dư. Ví dụ, với cán bộ không tái cử do không đủ điều kiện thì có thể thực hiện theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho người chờ hưởng hưu trí do không đủ điều kiện để tái cử.
Nếu thực hiện tốt theo nguyên tắc chỉ đạo là gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thông qua rà soát, sắp xếp sẽ tránh được việc gom một cách cơ học đội ngũ cán bộ công chức khi sáp nhập. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng phải đảm bảo sự ổn định, đảm bảo chế độ chính sách đối với những người tiếp tục làm việc cũng như những người thuộc diện dôi dư để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác cũng như yên tâm khi thực hiện các chế độ chính sách khác.
Bộ Nội vụ sẽ cùng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu có văn bản hướng dẫn để giải quyết việc sắp xếp lãnh đạo, các chức danh như Chủ tịch HĐND hoặc UBND được lựa chọn qua bầu cử.
PV: Trước đây, đã có những thời điểm, chúng ta có những tỉnh như Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên, Sông Bé…, bộ máy không quản lý nổi và phải tách ra thành nhiều tỉnh. Bây giờ, câu chuyện sáp nhập huyện, xã lại đặt ra, liệu có tái diễn câu chuyện gây khó cho quản lý nhà nước và đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Đảng.
Mục tiêu của việc sắp xếp này là nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi chưa đủ tiêu chuẩn quy định tinh gọn hơn, hợp lý hơn, đảm bảo hoạt động có hiệu lực hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở những địa phương thuộc diện sắp xếp.
PV: Vậy theo Thứ trưởng, bộ máy mới ở địa phương sau sáp nhập có đủ sức gánh vác và đảm đương trọng trách mới?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng là giải pháp đảm bảo sự tương thích trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Việc sắp xếp này cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.
Nếu không sắp xếp lại mà vẫn để các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ gây lãng phí nguồn lực từ ngân sách, không giảm được biên chế. Việc sáp nhập sẽ góp phần tinh giản biên chế, giảm được gánh nặng ngân sách. Đặc biệt sau khi sáp nhập, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã. Việc này cũng giúp thực hiện tốt Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Với việc sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn này, tôi tin rằng bộ máy mới có thể đảm bảo gánh vác được nhiệm vụ phục vụ nhân dân, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Bộ máy chính quyền địa phương sau đợt sáp nhập này sẽ thực hiện tốt chức năng của mình, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!