Tàu sân bay Nimitz được biên chế vào năm 1975, trở thành tàu chiến lớn nhất của hải quân Mỹ vào thời đó. Thế nhưng, để có 1 cái nhìn tổng thể nhất về Nimitz cũng như các tàu sân bay cùng lớp, chúng ta sẽ phải quay lại về những năm 60 của thế kỷ trước.

Khi ấy, các tàu sân bay cũ của hải quân đã “nghỉ hưu” còn nước Mỹ đang trong quá trình phổ biến động cơ chạy năng lượng hạt nhân cho các tàu chiến thuộc hạm đội của mình. Sau khi xem xét chi phí vận hành và thời gian phục vụ, Lầu Năm Góc đã quyết định đóng mới 3 chiếc tàu sân bay được trang bị lò phản ứng hạt nhân riêng, đánh dấu sự ra đời của lớp Nimitz.

070823-3.jpg

Tàu sân bay USS Nimitz.

Vào 22/6/1968, hải quân đã hạ thủy con tàu đầu tiên mang tên Nimitz. Con tàu này được thiết kế dựa trên kinh nghiệm đóng tàu sân bay truyền thống và tàu USS Enterprise (tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Mỹ). Do đó, Nimitz vẫn giữ lại nhiều đặc điểm của người tiền nhiệm như đường băng chéo, tháp chỉ huy “đảo” và 4 hệ thống phóng chạy bằng hơi nước. So với Kitty Hawk - lớp tàu sân bay chạy bằng dầu cuối cùng của hải quân Mỹ - lớp Nimitz chỉ dài hơn khoảng 7 mét nhưng lại nặng hơn tới 19.000 tấn. Theo trang quân sự We Are Almighty, mỗi tàu thuộc lớp này mang theo theo hơn 5.000 người, trong đó 60% là nhân viên, sĩ quan bảo dưỡng, vận hành tàu.

Tàu sân bay năng lượng truyền thống cuối cùng của Mỹ USS Kitty Hawk.

Với lò phản ứng hạt nhân, USS Nimitz cùng với các tàu cùng lớp có được những ưu điểm mà những người tiền nhiệm không có được: chi phí vận hành thấp, vận tốc di chuyển và khả năng tăng - giảm tốc nhanh và giảm thiểu nhu cầu nhiên liệu.

Trong vòng 30 năm, Mỹ đã đóng 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz, trong đó USS George H. W. Bush là hiện đại nhất. Chiếc tàu cuối cùng của lớp Nimitz được tích hợp những công nghệ hiện đại nhất như thiết kế “mũi tàu quả lê” (bulbous bow) nhằm tăng hiệu suất vỏ tàu, tháp chỉ huy mới nhỏ gọn và hiện đại hơn, hệ thống phóng, thu hồi được nâng cấp. Không chỉ có vậy, hệ thống điều khiển tàu và hệ thống dự trữ nhiên liệu máy bay cũng được cải thiện.

Thế nhưng, các phi đội của USS Nimitz mới là nguồn sức mạnh khiến kẻ thù phải run sợ. Trong thời điểm Chiến tranh Lạnh, các tàu sân bay thường mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu vượt trội trên không F-14 Tomcat (mỗi phi đội 12 chiếc), 2 phi đội máy bay chiến đấu đa nhiệm F/A-18 Hornet (mỗi phi đội 12 chiếc), 1 phi đội cường kích A-6 Intruder (10 chiếc), 1 phi đội máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2 Hawkeye (4-6 chiếc), 10 máy bay săn ngầm S-3A, 1 phi đội máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler (4 chiếc) và 1 phi đội trực thăng săn ngầm SH-3 (6 chiếc). Số lượng và chủng loại máy bay sẽ thay đổi tùy theo nhiệm vụ mà hạm đội đảm nhận.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các phi đội Mỹ cũng đã “thay da đổi thịt”. Cụ thể, hải quân đã cho loại biên và thay thế F-14 Tomcat bằng F/A-18E/F Super Hornet, EA-6B Prowler bằng máy bay tác chiến điện tử tấn công EA-18G Growler. Ngoài ra, các “lão làng” A-6 Intruder và S-3A Viking cũng đã được Lầu Năm Góc cho “nghỉ hưu”. Việc này khiến cho phi đội của tàu sân bay chỉ còn khoảng 60 chiếc (ít hơn 25-30 chiếc so với thời Chiến tranh Lạnh).

Một chiếc tàu sân bay lớp Nimitz cùng với toàn bộ máy bay mang theo.

Với sức mạnh của mình, các tàu sân bay lớp Nimitz đã có mặt trong hầu hết trong các cuộc khủng hoảng và xung đột mà Mỹ có liên quan trong gần 3 thập kỷ qua. Những vụ việc nổi tiếng có dấu ấn của Nimitz có thể kể đến cuộc giải cứu bất thành con tin trong đại sứ quán Mỹ tại Tehran (Iran) năm 1980, vụ bắn hạ 2 máy bay Su-22 Fitters của Không quân Libya năm 1981.

Chiếc USS Theodore Roosevelt thuộc lớp này còn tham gia chiến dịch Bão táp Sa Mạc và chiến dịch quân sự của NATO tại Yugoslavia vào năm 1999. Ngoài ra, chiếc tàu này cùng với USS Carl Vinson cũng thực hiện các cuộc không kích chống lại Taliban và Al-Qaeda. Kể từ 2001 đến nay, gần như toàn bộ tàu sân bay thuộc lớp Nimitz đều góp mặt trong các chiến dịch hàng không tại Afghanistan và Iraq.

Trong tương lai, hải quân Mỹ dự định thay lớp Nimitz bằng lớp tàu Ford được nhận định là hiện đại, mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo We Are Almighty, 10 chiếc tàu sân bay lớp này sẽ vẫn còn tiếp tục là “thế lực” trên biển trong khoảng 20-30 năm nữa. Các chuyên gia quân sự cũng nhận định, cái tên Nimitz, dù sau này bị thay thế bởi Ford, vẫn sẽ là 1 tượng đài vĩ đại trong lịch sử quốc phòng xứ cờ hoa.