(Baonghean) - Giá như trước khi ruồng bỏ điều gì đó thân thiết, ta nán lại một chút để tự vấn cũng như tự trả lời cho câu hỏi của cuộc đời mình?

Trong ngõ nhà tôi, một đứa trẻ con được bố mẹ mua cho chiếc đèn ông sao, thế là buổi tối nó rủ bọn trẻ quanh đó đi rước khắp xóm. Tôi ngồi uống trà với mấy bác hàng xóm mà thèm ghê. Ước gì được nhỏ lại, tung tăng chơi đèn như các cháu, hồn nhiên và vui khôn xiết. Đang chơi vui thì thằng bé có đèn lồng bỗng khóc thút thít. Thì ra là có người đi ngang quệt phải đèn của nó, làm rớt xuống gãy mất cái quai đèn khiến chiếc đèn không sáng và treo lên được nữa. 

Vài người lớn tưởng có chuyện gì chạy ra xem, thằng bé càng khóc thêm. Nó lấy hai tay giữ chặt lấy cái đèn, mặc cho mọi người đề nghị đưa họ xem xem thế nào, có sửa được không và nếu không sửa được thì sẽ mua cho nó cái mới. Dỗ kiểu gì thằng bé cũng không nín, nó ngồi xuống bên vỉa hè một nhà, khóc và ôm khư khư cái đèn như ôm một báu vật.

Thằng bé chỉ nín khi một đứa trong nhóm chạy về nhà mang ra một lọ hồ, cái kéo và cuộn dây kẽm rồi hai đứa hì hụi sửa đèn. Mấy người lớn đứng nhìn hai đứa trẻ con lúi húi cắt cắt dán dán thì tủm tỉm cười lắc đầu: “Đúng là trẻ con, cái mới không muốn lại cứ tiếc và ôm khư khư cái cũ!”.

Minh họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong

Câu chuyện cái đèn làm tôi liên tưởng đến chuyện một vợ chồng nọ, cũng người trong xóm. Họ còn trẻ, mới lấy nhau được hai năm, có một con trai nhỏ chừng 6 tháng tuổi. Anh chồng đi làm cả ngày tối mịt mới về. Cô vợ ở nhà chăm con, cơm nước, thu vén nhà cửa.

Hai vợ chồng họ không gặp nhau thì thôi, chứ anh chồng cứ về đến nhà là lại xảy ra cãi vã to tiếng. Họ dùng những lời nặng nề với nhau như: “Biết vậy ngày xưa tôi không lấy cô!”, “Biến ra khỏi nhà ngay!”, “Tôi chán cái mặt cũ kỹ của cô lắm rồi!”… Cứ thế, không biết bao nhiêu lần tiếng họ lẫn với tiếng con trẻ khóc làm nhức óc cả xóm. 

Và rồi họ cũng đưa nhau ra tòa thật, họ chia tay chính thức sau một lần cãi vã mà xuất phát là một lý do vô cùng vặt vãnh. Sau khi ly hôn, cô vợ đưa con về quê, anh chồng thì hôm nào cũng tới khuya mới về nhà trong tình trạng say xỉn.

Thế đấy, người lớn chúng ta đã trở nên nóng nảy, vội vàng, chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định vứt bỏ thứ gì đó một cách dễ dàng. Giá như trước khi ruồng bỏ điều gì đó thân thiết, ta nán lại một chút để tự vấn cũng như tự trả lời cho câu hỏi của cuộc đời mình, điều mà ngay cả chiếc máy tính vô tri cũng làm được như trong một bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh: “… có một lần tôi làm thơ trên máy tính/ và đặt tên file là “tinhyeu”/ khi không hài lòng tôi định xóa/ cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm hỏi tôi:/ “are you sure you want to delete “tinhyeu”?/ tôi đã rùng mình/ bạn ạ”.

Đăng Tiêu

TIN LIÊN QUAN