Có lẽ, nhìn con số kim ngạch xuất khẩu (XK) 9 tháng đầu năm 2013 đạt 96,272 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều người sẽ hoan hỉ coi đó là thành tích lớn!

Sáng - tối xuất khẩu ảnh 1

                                                    Ảnh minh họa

Song, ở một giác độ khác, không thể bàng quan! Trong tổng kim ngạch XK, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 61%, đạt 58,69 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích kỹ hơn các con số trong bảng thống kê của Tổng cục Hải quan sẽ thấy một thực tế... buồn. Nhiều nhóm hàng XK chủ lực có kim ngạch cao đã rơi vào tay các doanh nghiệp FDI.

Chẳng hạn, kim ngạch XK điện thoại và linh kiện 15,521 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm 15,404 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,7 tỷ USD, doanh nghiệp FDI chiếm 7,568 tỷ USD. Nhìn doanh nghiệp FDI chiếm thế thượng phong trên sân chơi, đẩy doanh nghiệp Việt vào góc nhỏ, ngậm ngùi với số kim ngạch XK không đáng kể, có ai vui mừng?

Chưa hết, kim ngạch XK nhiều nhóm ngành hàng chủ lực khác cũng thuộc phần lớn vào doanh nghiệp FDI: Giày dép 4,6/6 tỷ USD tổng kim ngạch XK; dệt may gần 7,8/13 tỷ USD; sản phẩm gỗ 1,6/2,6 tỷ USD; túi xách, vali, mũ, ô dù hơn 0,9/1,38 tỷ USD...

Ngay cả nhiều nhóm hàng nông, thủy sản- “của nhà trồng được”-  doanh nghiệp FDI cũng nhảy vào, tận thu kim ngạch XK không nhỏ: Cà phê 0,67/2,2 tỷ USD; thủy sản 0,4/4,6 tỷ USD; hạt tiêu 251/748 triệu USD; rau quả 78/787 triệu USD... Riêng sân chơi XK gạo, chè là doanh nghiệp FDI không có cửa vào, vắng tên trên bảng thống kê XK.

Thực tế, bức tranh XK Việt Nam đã và đang hiện hữu hai mảng sáng- tối rõ rệt.

Mảng sáng thuộc về khu vực FDI, ngày càng sáng hơn khi doanh nghiệp FDI đang “bơm” thêm vốn đầu tư như Samsung, Coca-Cola..., đồng thời nhiều nhà đầu tư ngoại đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, do có nhiều ưu đãi đầu tư.

Mảng tối đang bao trùm doanh nghiệp Việt bởi yếu về vốn, công nghệ, thị trường, chỉ xuất thô sản phẩm hoặc chịu thân phận làm gia công, năng lực cạnh tranh thấp lại không được hưởng những chính sách ưu đãi như doanh nghiệp FDI...

Theo đà này, ngày càng nhiều hơn giá trị hàng hóa XK sẽ rơi vào tay doanh nghiệp FDI. XK bền vững không thể dựa vào doanh nghiệp ngoại mà phải tăng cả lượng lẫn chất bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt. Tự lực, tự cường mới mong mạnh và bền! Nếu không, những chỉ tiêu XK chỉ mang nặng tính thành tích, là con số “đẹp”, chẳng có nhiều ý nghĩa!                                                                                                                                                                                                                                                  Theo.baocongthuong-P.H